Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch thì Quảng Ninh cũng đã có những dịch vụ du lịch về đêm thời gian qua. Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 được xem là mở cửa cho du lịch đêm, hứa hẹn cơ hội phát triển lên một vị thế mới của ngành “công nghiệp không khói” trên địa bàn tỉnh.
Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 9/2023. Mục tiêu của Đề án là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đầu tháng 3 vừa qua, tại cuộc họp rà soát tiến độ triển khai Đề án của UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu cần xác định ngay những mô hình thí điểm ban đêm để phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách; thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch và người dân trong tỉnh.
Trong đó, đặc biệt cần nghiên cứu, đưa ra thương hiệu cụ thể đối với hoạt động kinh tế ban đêm; tập trung khai thác thêm các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc thù của Quảng Ninh. Cũng theo đó, 5 địa phương được chọn thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm là Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Đông Triều và Cô Tô cần khẩn trương lập và phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn xong trước ngày 30/4/2024. Huyện Vân Đồn cũng được bổ sung vào danh sách này.
Bức tranh dịch vụ đêm
Nhìn lại quá trình phát triển du lịch của Quảng Ninh cho tới nay, ở các địa phương kể trên đã có không ít những sản phẩm dịch vụ, du lịch về đêm. Nhiều nhất là trên địa bàn TP Hạ Long – trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, đã hình thành và đưa vào khai thác một số sản phẩm do các doanh nghiệp thực hiện.
Lâu dài nhất có thể kể tới là dịch vụ tàu ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long. Sau hành trình tham quan, trải nghiệm ban ngày, du khách có thể ngắm hoàng hôn trên biển, trải nghiệm ẩm thực, tự tay làm một vài món ăn đơn giản, giao lưu văn nghệ và ngắm cảnh biển lung linh vào buổi đêm. Gần đây là các sản phẩm nghe nhạc trên các tàu nhà hàng, tàu ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long, các show ca nhạc ven bờ vịnh, Điểm hẹn âm nhạc Tuần Châu Harmony, Đồi Mặt trời, Điểm hẹn âm nhạc Hải Đăng, dịch vụ bar, pub bãi biển… giúp nối dài những trải nghiệm của du khách khi đến với Hạ Long.
Bên cạnh đó, có sản phẩm như “Phố đêm du thuyền” với những vướng mắc về quy định liên quan tới việc tổ chức dịch vụ ăn uống trên tàu tham quan, đánh giá tác động môi trường nên phải dừng triển khai. Hạ Long dự kiến sẽ đưa vào khi thực hiện lộ trình theo Đề án Phát triển kinh tế đêm của thành phố.
Quá trình hoạt động của nhiều dịch vụ ban đêm theo đánh giá của địa phương cũng có nhiều khó khăn khi thời gian qua, hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, bar, pub đã bị đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động để khắc phục về phòng cháy chữa cháy. Các quán bar, vũ trường đang hoạt động gặp khó khăn trong xử lý tiếng ồn, phải đóng cửa trước 23h, vì vậy khách du lịch không có các hoạt động giải trí, dịch vụ sau khung giờ này.
Ở các địa phương được chọn thí điểm còn lại cũng như trong toàn tỉnh nói chung, các dịch vụ karaoke, vũ trường, bar, pub đều gặp khó tương tự. Các dịch vụ về đêm thời gian qua thực tế tương đối ít. Phổ biến hơn là các phố đi bộ gần đây được mở ở nhiều địa phương, như phố đi bộ Trần Phú (TP Móng Cái), Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố (Tiên Yên), Minh Châu (huyện Vân Đồn), “Phố đêm thợ mỏ” (Cẩm Phả), Phố ẩm thực đêm (Đầm Hà)… Tuy nhiên, bên cạnh số ít phố đi bộ giữ được sức hấp dẫn nhất định thì không ít phố đi bộ nghèo nàn về dịch vụ, thưa vắng khách, cần được xem xét về sức sống, tính khả thi trước khi tiếp tục triển khai, nhân rộng.
Hứa hẹn sự khởi sắc
Năm 2024 này, nhiều sản phẩm du lịch mới ở các địa phương trong Đề án dự kiến sẽ được đầu tư, đưa vào khai thác, trong đó có những sản phẩm gắn với dịch vụ đêm, nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách.
Cụ thể, ở Hạ Long có phố đi bộ phong cách Hàn Quốc gồm những căn shophouse được trang trí mang phong cách Hàn Quốc với các dịch vụ ẩm thực, thời trang, làm đẹp…; tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải Đăng (gồm ẩm thực, trải nghiệm, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật); phố đi bộ Hải Long; tổ hợp vui chơi, giải trí Kim Cương tại Tuần Châu (vui chơi giải trí, ẩm thực, tắm biển); du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới, trải nghiệm kỳ nghỉ trên Vịnh Hạ Long…
Cùng với đó, sản phẩm tàu lưu trú du lịch năm nay dự kiến sẽ mở rộng sang khu vực vịnh Bái Tử Long của Vân Đồn. Khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn có sản phẩm nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ đi kèm các khoá tập thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, tắm khoáng nóng nhân tạo, cai thuốc lá, giảm cân, tắm cát thải độc; khu cắm trại tại bãi biển kèm dịch vụ BBQ ngoài trời. Khu nghỉ dưỡng Angsana Quan Lạn có 2 sản phẩm du lịch biển – nghỉ dưỡng kết hợp các hoạt động yoga, tắm khoáng nóng nhân tạo, chăm sóc sức khoẻ tại đảo. Bên cạnh đó là các điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại một số xã, kết hợp các dịch vụ ban ngày và lưu trú qua đêm như nghỉ dưỡng, cắm trại, tiệc nướng bãi biển…
Ở huyện đảo Cô Tô cũng có sản phẩm vui chơi kết hợp ngắm hoàng hôn trên bãi biển Tình Yêu, du lịch đạp xe trải nghiệm Cô Tô về đêm, cắm trại đêm tại bãi biển Ba Châu – xã Thanh Lân. Ở vùng địa đầu Móng Cái có sản phẩm tuyến phố đi bộ mới tại phường Trần Phú và Hải Hoà gắn với các dịch vụ vui chơi giải trí phát triển sản phẩm kinh tế đêm…
Xác định du lịch đêm đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch 4 mùa của tỉnh, là sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế đêm của Quảng Ninh, vì vậy, tại cuộc họp kể trên, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương trong quá trình lập Đề án cần lấy ý kiến các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc theo đúng 5 lĩnh vực của Đề án đã được tỉnh ban hành. Đó là biểu diễn văn hóa, văn nghệ; mua sắm, giải trí ban đêm; thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về ban đêm; tham quan du lịch về ban đêm; ẩm thực, du lịch ăn uống ban đêm.
Thiết nghĩ, có làm sát được như thế, có xuất phát từ các đối tượng cung cấp dịch vụ tới khách hàng, đối tượng thụ hưởng, trải nghiệm dịch vụ như thế thì Đề án khi được hiện thực hoá mới đảm bảo được tính khả thi và sức sống trong thời gian thí điểm cũng như về mặt lâu dài.