Để hoàn thành mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào địa bàn tỉnh trong năm 2024, ngay trong những tháng đầu năm, Quảng Ninh đã rốt ráo thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Dự kiến hết quý I này, Quảng Ninh sẽ cán mốc thu hút 1 tỷ USD, bằng 1/3 kế hoạch của cả năm.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI trong 2 tháng qua lần lượt là: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên. Như vậy, Quảng Ninh là địa phương thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư FDI trong 2 tháng đầu năm nay. Trong đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được 8 dự án đầu tư FDI với tổng vốn 478,3 triệu USD, bằng 15,9% kế hoạch năm. Có thể kể đến một số dự án như: Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà), dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại KCN Sông Khoai Amata (TX Quảng Yên)… Đây đều là những dự án thế hệ mới, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường. Đến nay, tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đến từ 20 quốc gia, với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Các dự án FDI được cấp phép triển khai chủ yếu là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dự kiến trong tháng 3, Quảng Ninh sẽ đón thêm 7 dự án đến từ Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan…
Để hoàn thành mục tiêu thu hút 3 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024, Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, kế hoạch, văn bản. Cùng với đó, từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; thường xuyên trao đổi, lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng tạo ra mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ…
Nhằm rút ngắn thời gian, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, Ban Quản lý KKT tỉnh thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật chưa phù hợp; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định về TTHC, quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh ngay trong quá trình dự thảo văn bản. Cùng với đó, Ban kiên quyết không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C (TX Quảng Yên), cho biết: Để phục vụ cho việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, đến nay, hạ tầng KCN Bắc Tiền Phong và KCN Nam Tiền Phong đang từng bước được hoàn thiện. Riêng KCN Bắc Tiền Phong, hệ thống đường giao thông trục chính, cấp điện, cấp nước đã cơ bản hoàn thành. Trạm xử lý nước thải với công suất 4.500m3/ngày đã được hoàn thiện, sẵn sàng đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu vận hành của các dự án sản xuất trong KCN. Hết năm 2023, hai khu công nghiệp này đã thu hút được 12 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 2,1 tỷ USD với diện tích đất cho thuê là 82ha. Năm nay, chúng tôi tin rằng diện tích đất cho thuê tại 2 KCN này ít nhất vẫn bằng năm 2023 với tổng số vốn đầu tư nước ngoài dự đoán sẽ vượt trên 1 tỷ USD, đóng góp tích cực vào hoàn thành mục tiêu thu hút FDI của tỉnh Quảng Ninh năm 2024.