Để tăng sức hút mạnh mẽ cho các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng, nhất là hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng với hệ thống giao thông, kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ, hiện đại. Nhờ đó đến nay, nhiều KKT, KCN đã trở thành vùng động lực, trọng điểm thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, phương án phát triển KKT, KCN của tỉnh thời kỳ 2021-2030 gồm 5 KKT, 23 KCN. Để đảm bảo những KCN, KKT này là trụ cột trong tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, nổi bật là lập Đề án “Xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040” để ban hành nghị quyết; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các KKT, KCN, CCN đã thành lập.
Đặc biệt, tỉnh cũng định hướng phát triển theo chiều sâu các KKT, KCN để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế, tăng tính liên kết giữa các KCN, KKT của Quảng Ninh – Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành liên kết.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã vận dụng tối đa các quy định của Trung ương, ưu thế phát triển của địa phương, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ GPMB, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào KCN); hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng…
Cụ thể, với 5 KKT của tỉnh đều được Trung ương, tỉnh bố trí vốn hằng năm và huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Cơ bản những KKT này đến nay đều được phê duyệt các quy hoạch phân khu, làm cơ sở quan trọng triển khai các quy hoạch chi tiết và kêu gọi dự án đầu tư, như: KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên…, tạo ra sức hấp dẫn, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử như với KKT Vân Đồn, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và Quy hoạch chung xây dựng, đến nay KKT Vân Đồn đã có 12 quy hoạch phân khu được lập. Trong đó có 9/12 đồ án quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng diện tích trên 27.000ha, làm căn cứ thu hút đầu tư. Các đồ án này đã bám sát định hướng phát triển KKT Vân Đồn trở thành KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển – đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp. Đồng thời, là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Đến nay, Vân Đồn đã hiện hữu những công trình, dự án giao thông trên bộ, trên biển, hàng không đẳng cấp khu vực và thế giới như: Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên… Đồng thời, huyện đảo Vân Đồn đang từng bước hình thành nên những khu đô thị, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như: Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City, Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải, Khu đô thị và bến cảng cao cấp Ao Tiên, Tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Khu đô thị Phương Đông.
Trong tổng số 23 KCN được quy hoạch, hiện tại đã có 7 KCN được thành lập và có chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng, cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, bao gồm các KCN: Cái Lân, Việt Hưng, Hải Yên, Đông Mai, Cảng biển Hải Hà, Sông Khoai, Đầm Nhà Mạc (Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong). Các KCN còn lại đang lập, phê duyệt quy hoạch, quy hoạch phân khu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Mỗi một KCN được tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển theo từng chuỗi sản phẩm, ngành nghề khác nhau, tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là mạng lưới công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, như các KCN: Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong phát triển chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; KCN Cảng biển Hải Hà phát triển công nghiệp dệt công nghệ cao…
Trên tinh thần định hướng phát triển của tỉnh, các chủ đầu tư đã nhanh chóng huy động nguồn lực hợp pháp, cùng với sự hỗ trợ tích cực đến từ các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đầu tư để đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, tạo ra quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Từ những giải pháp chặt chẽ, khoa học, lựa chọn đúng và trúng, hết năm 2023, tổng số vốn thu hút FDI vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh đạt trên 3,1 tỷ USD, lập kỷ lục về thu hút FDI của tỉnh từ trước tới nay. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2024, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 8 dự án đầu tư FDI với tổng vốn 478 triệu USD. Đây đều là những dự án đầu tư FDI thế hệ mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo của những nhà đầu tư chiến lược, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, ít thâm hụt tài nguyên, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế của tỉnh.