Một mùa Oscar nữa khép lại với chiến thắng rực rỡ dành cho “Oppenheimer”. Siêu phẩm của đạo diễn Christopher Nolan không chỉ được lòng giới chuyên môn với 7 giải Oscar mà còn là tác phẩm ăn khách với doanh thu hơn 1 tỉ USD. Một lần nữa phim Việt hoàn toàn mờ nhạt khi gửi dự thi ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Điện ảnh Việt và những lần gửi phim dự thi Oscar
“Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là đại diện chính thức của điện ảnh Việt Nam gửi dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar năm nay, nhưng không được đề cử và lặng lẽ rời giải, dù trước đó phim cũng đã giành một số giải thưởng quốc tế tại Liên hoan phim ba châu lục (Pháp) và Liên hoan phim quốc tế Tokyo (Nhật Bản).
“Tro tàn rực rỡ” cùng chung số phận với 18 phim Việt trước đó gửi dự Oscar, đều không được đề cử, nói theo ngôn ngữ dân gian là “loại từ vòng gửi xe”.
Tác phẩm “The Zone of Interest” (Vương quốc Anh) giành giải Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm nay.
Việt Nam lần đầu tiên gửi phim điện ảnh dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Oscar từ năm 1993, với đại diện đầu tiên là “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng. Mặc dù phim được đầu tư kinh phí và sản xuất tại Pháp, nhưng đạo diễn Trần Anh Hùng đã xin phép để tác phẩm đại diện cho Việt Nam do bộ phim chủ yếu sử dụng tiếng Việt và các nhân vật đều do các diễn viên Việt Nam thể hiện. Cho đến nay, đây vẫn là phim Việt Nam duy nhất giành được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Oscar.
Trước năm 2003, các phim Việt dự Oscar hầu hết là do mối quan hệ cá nhân của đạo diễn và đoàn phim với đối tác nước ngoài. Tháng 9.2003, lần đầu tiên một phim Việt được chọn bởi hội đồng nghệ thuật trong nước là “Vua bãi rác” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn được gửi đi dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Từ năm 2006, Việt Nam chính thức được Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ gửi lời mời tham dự Oscar.
Nhìn lại 20 năm qua, phim Việt gửi đến Oscar có sự thay đổi đáng kể về thể loại và cách thức dự giải, từ cách chọn phim do Nhà nước đặt hàng đến phim tư nhân, nhưng điểm chung là, không lần nào vượt qua được vòng đề cử, tái lập thành tích của “Mùi đu đủ xanh”.
Phim Việt đang ở đâu?
Phải chăng phim điện ảnh Việt Nam đang có sự lệch pha so với tiêu chuẩn nghệ thuật của thế giới? Nếu không thì tại sao, sau 20 năm dường như khoảng cách giữa những bộ phim thành công ở Việt Nam với phim thành công ở thế giới vẫn còn quá xa vời?
Nhà phê bình Nguyên Lê – người từng có thời gian hoạt động ở Hollywood – nhận định rằng, bất chấp việc phim Việt đã giành được một số giải thưởng quốc tế gần đây như “Bên trong vỏ kén vàng” (Camera D’Or tại Cannes 2023) hay “Những đứa trẻ trong sương” (vòng đề cử cuối cùng hạng mục Phim tài liệu Oscar 2023), phim Việt vẫn còn nhiều thiếu sót dẫn đến hạn chế khả năng cạnh tranh khi tham dự những giải thưởng hàng đầu thế giới.
“Chúng ta nên nhớ trong “điện ảnh” có chữ “ảnh”, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nếu một bộ phim làm xuất sắc phần hình ảnh thì những câu chuyện dù xa xôi lạ lẫm cách mấy cũng tìm được chỗ đứng trong lòng một nền văn hóa khác. Phim Việt đáng tiếc chưa làm tốt điều này” – nhà phê bình Nguyên Lê nhìn nhận.
“Các nhà làm phim Việt đang áp dụng lối kể chuyện dựa vào những yếu tố khác chứ không phải hình ảnh (lời thoại, âm nhạc…), chưa kể là nhiều khi dùng những yếu tố này một cách thiếu duyên (thoại lặp lại, nhạc sai chỗ, không đúng cảm xúc…)”.
Nhà phê bình Nguyên Lê cũng cho rằng, phim Việt còn làm chưa tốt cả yếu tố phụ đề. Hãy đặt trường hợp là những giám tuyển quốc tế chưa có hiểu biết gì về văn hóa Việt Nam, cầu nối duy nhất để họ hiểu phim Việt là phụ đề nhưng khâu này lại chưa được đầu tư đúng mức, phụ đề mới chỉ ở mức “đúng chứ chưa hay”, đấy là còn chưa nói đến nhiều chỗ bị sai.
Mặt khác, từ câu chuyện phát hành phim “Đào, phở và piano”, chúng ta cũng lại phải nhìn lại câu chuyện quảng bá phim.
Một bộ phim dù cho có xuất sắc đến đâu nhưng nếu không đến được với đông đảo khán giả, được người hâm mộ đại chúng biết đến thì khả năng cạnh tranh “là con số 0”.