Cà phê xuất khẩu có giá trị tăng vọt đã và đang kéo giá cà phê trong nước tăng. Hiện giá đã vượt mốc 90.000 đồng/kg và có thể sắp tới là mốc 100.000 đồng/kg.
Xuất khẩu tăng mạnh cả lượng và giá trị
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2 năm 2024 dù giảm lượng nhưng tăng mạnh về giá trị so với cùng kỳ. Cụ thể, theo thống kê được Hiệp hội Cà Phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) công bố, trong tháng 2/2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 155.900 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 523,7 triệu USD, giảm 22,1% về lượng nhưng tăng 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 394.167 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 67,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ cà phê (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), Việt Nam xuất khẩu khoảng 764.802 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu trên 2,36 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước.
Cà phê Robusta chiếm ưu thế
Theo Vicofa, xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, cà phê Robusta vẫn chiếm ưu thế khi đạt sản lượng 663.669 tấn, kim ngạch gần 1,84 tỷ USD, còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 15.404 tấn, kim ngạch trên 56,62 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 15.477 tấn, kim ngạch gần 3,2 triệu USD.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, xét về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu), doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần lớn, trong đó Công ty TNHH Vĩnh Hiệp dẫn đầu với 81.025 tấn. Tiếp theo là các doanh nghiệp Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Intimex Mỹ Phước, Phúc Sinh, NKG Việt Nam, Olam Việt Nam và Hoa Trang – Gia Lai.
Ở mảng cà phê rang xay và hòa tan, xuất khẩu đạt khoảng 68.780 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch trên 401,33 triệu USD (khối lượng cà phê rang xay và hòa tan chiếm khoảng 9,0% và kim ngạch chiếm khoảng 17,0% tổng các loại cà phê xuất khẩu). Tuy nhiên ở mảng này, top doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế và NESTLÉ Việt Nam là doanh nghiệp dẫn đầu với 57,5 triệu USD. Vị trí thứ 2 là OUTSPAN Việt Nam với 53,2 triệu USD, Cà phê Ngon ở vị trí thứ 3 với 52,9 triệu USD. Tiếp đến là Tập đoàn Trung Nguyên, IGUACU Việt Nam, URC Việt Nam, TATA COFFEE Việt Nam, INSTANTA Việt Nam, SUCAFINA Việt Nam và Lựa chọn đỉnh.
Giá cà phê nội địa liên tục tăng
Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu tăng mạnh về giá trị đã tác động tích cực tới giá cà phê trong nước. Theo đó, đầu tuần này giá cà phê tiếp tục tăng thêm 600 – 700 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk 91.300 đồng/kg, Đắk Nông 91.500 đồng/kg, Gia Lai 91.200 đồng/kg và Lâm Đồng 90.600 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, mức giá hiện tại ngoài sức tưởng tượng của hầu hết dân trong ngành song thực tế là từ nông dân đến thương lái và cả các doanh nghiệp nhỏ cũng không còn mấy người có cà phê. Theo đó, Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch và phải đợi tới tháng 10/2024 mới vào vụ thu hoạch tiếp theo. Ngoài ra, nắng nóng khô hạn cũng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của vụ cà phê sắp tới. Do vậy, giá cà phê đã liên tục phá cột mốc 80.000 – 90.000 đồng/kg và sắp tới rất có thể là mốc 100.000 đồng/kg cũng bị phá.