Với 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 2/6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, cùng với 9 tiêu chí, 36 chỉ tiêu đã đạt được ở mức cao là cơ sở để ngày 6/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định chính thức công nhận huyện Bình Liêu đạt chuẩn NTM. Như vậy, Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM.
Hơn 13 năm xây dựng NTM đã dần xoá đi cái nghèo, cái khó một thời của Bình Liêu. Hôm nay, Bình Liêu trong mắt bạn bè gần xa là vùng đất tươi đẹp và giàu dư địa phát triển. Ở đó có những chàng trai cô gái dân tộc thiểu số hiền hoà, chăm chỉ, năng động, sáng tạo, giữ vai trò là hạt nhân của sự phát triển; ở đó có cảnh quan rừng núi, thác nước, hoa cỏ hùng vĩ thơ mộng và có một nền văn hoá đa sắc màu, đậm đà bản sắc truyền thống bản địa…
Đồng Văn từng là xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất của tỉnh. Thế nhưng giờ đây Đồng Văn đã đổi khác. Tận dụng những công trình giao thông, thuỷ lợi được đầu tư trong quá trình xây dựng NTM, người dân Đồng Văn tập trung trồng rừng, nuôi cá nước lạnh và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Các thôn Đồng Thắng, Sông Moóc, Phạt Chỉ, Khe Tiền của Đồng Văn hiện nay được gọi là thôn “nhà lầu xe hơi”, bởi trong thôn có rất nhiều những homestay, nhà hàng, có dịch vụ taxi, có những cơ sở kinh doanh tắm lá thuốc, ngâm chân thảo mộc…
Ở thôn Khe Tiền của Đồng Văn mỗi ngày có nhiều du khách ghé thăm để trải nghiệm văn hoá cộng đồng. Nắm bắt cơ hội này, người dân Khe Tiền bảo nhau gia cố lại các nếp nhà trình tường, xây mới các cơ sở lưu trú, hình thành các cơ sở dịch vụ ăn uống. Cũng vì vậy mà đường Khe Tiền sạch đẹp hơn, nhà cửa gọn gàng bền vững hơn. Các nét đẹp văn hoá về ẩm thực, về may thêu trang phục, chăm sóc sức khoẻ, múa hát, thể thao truyền thống… đều được người dân Khe Tiền khơi gợi, truyền dạy và phát huy thêm. Một nhịp sống vui tươi, rộn ràng, no ấm, đủ đầy đang hiện diện khắp các mái nhà Khe Tiền và những thôn bản xã vùng cao Đồng Văn.
Giống như Khe Tiền, thôn Khe O thuộc xã Lục Hồn là điển hình về chuyển đổi nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ môi trường. Chỉ khoảng 60 nóc nhà, thế nhưng Khe O nhà nào cũng nuôi trâu, bò, lợn, gà, thành ra đàn gia súc của Khe O lên đến cả trăm con.
Thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng NTM, huyện Bình Liêu phân bổ kinh phí cho Khe O xây dựng khu chuồng trại tập trung; cử cán bộ đến từng hộ, từng người dân Khe O vận động người dân ăn ở sạch; triển khai mô hình về thu gom chất thải gia súc… Khu chuồng trại tập trung của Khe O được ví như “chung cư” của trâu, bò vì được xây dựng cách rất xa dân cư, có thiết kế chuồng trại và các ô chuồng riêng biệt. Nhờ đó mà đã giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường từ đàn gia súc.
Giờ đây, Khe O mang nét đẹp đặc thù của thôn đồng bào dân tộc, được huyện Bình Liêu chọn là một địa điểm diễn ra các hoạt động du lịch. Người dân Khe O dựng cổng chào ở đầu thôn, trồng hoa, cây cảnh 2 bên đường vào thôn. Những cung đường Khe O uốn lượn quanh thôn, dải ruộng bậc thang chập chùng vàng óng… giúp Khe O có khung cảnh nên thơ. Sự đổi thay của Khe O đã thật sự làm cho chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, là chất liệu để Khe O hội nhập, phát triển kinh tế du lịch.
Năm 2023, cùng với tiến độ xây dựng NTM của huyện Bình Liêu, xã Hoành Mô chính thức đạt chuẩn NTM nâng cao. Thành tích này là nhờ mức thu nhập của người dân trên địa bàn đạt cao, các hoạt động phát triển kinh tế ổn định, bền vững. Đến với Hoành Mô hôm nay, không khó nhận ra khí thế phát triển kinh tế rừng, lấy cây hồi, cây quế và cây sở làm trọng tâm của người dân. Nhiều hộ gia đình ở đây năng động mở dịch vụ ép hạt sở lấy dầu và chế biến bã quả sở làm vật tư nông nghiệp mang lại nguồn thu ổn định.
Xã Húc Động cũng đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Người dân Húc Động hiện có đời sống vật chất, tinh thần khấm khá. Húc Động có nghề truyền thống làm miến dong. Những xưởng miến được tráng thủ công năm xưa giờ hiện đại hơn nhờ công nghệ và thiết bị tiên tiến, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm OCOP 4 sao Quảng Ninh, là sản phẩm làm giàu của người dân trên địa bàn.
Đời sống kinh tế khấm khá, người dân Húc Động sôi nổi tham gia các hoạt động văn hoá thể thao. Mỗi dịp hội hè, Húc Động đều tổ chức các trận bóng đá nữ. Những cô gái Sán Chỉ Húc Động khéo léo, đảm đang trong lao động, lại cũng mạnh mẽ, uyển chuyển trên sân bóng, tạo nên nét đẹp rất riêng có của Húc Động, cũng là sức hút du khách đến với vùng nông thôn tươi đẹp này.
Đáng mừng hơn, từ hiện thực hoá các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM, huyện Bình Liêu ngày càng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá đồng bào các dân tộc trên địa bàn và bảo vệ cảnh quan và môi trường. Hơn hết Bình Liêu đã biến những thế mạnh này thành chất liệu đặc biệt để phát triển kinh tế du lịch.
Bình Liêu hôm nay được biết đến với những thắng cảnh đẹp như: Sống lưng khủng long, thác Khe Vằn, mùa hoa lau, lễ hội hoa sở, ngày hội mùa vàng trên những chân ruộng bậc thang hùng vĩ, lễ hội kiêng gió xã Đồng Văn, điệu then người Tày, khúc hát giao duyên Soóng Cọ… Từ một vùng đất chưa được nhiều người biết tới, đến nay, Bình Liêu là vùng du lịch trải nghiệm văn hoá đặc sắc, mỗi năm đón trên 100.000 lượt du khách. Du lịch trải nghiệm văn hoá cũng là hướng phát triển kinh tế hiện tại và tương lai của huyện Bình Liêu.