Quảng Ninh hiện có hơn 264.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ. Với sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của cấp ủy các cấp đối với công tác phụ nữ, đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ của tỉnh ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, chính quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trung tá Trần Thị Nhung, Đội trưởng Đội Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Chủ tịch Hội phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (Công an tỉnh) là một trong 100 cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu, điển hình toàn tỉnh đã được biểu dương, khen thưởng tại Diễn đàn “Hương sắc phụ nữ vùng di sản” nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, chị Nhung đã chủ động tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả công tác hồ sơ nghiệp vụ công an nhân dân với phương châm “đúng – đủ – sống – sạch”, góp phần từng bước xây dựng cơ quan hồ sơ chính quy, hiện đại phục vụ kịp thời công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội.
Với vai trò là Chủ tịch Hội phụ nữ, chị Nhung tích cực xây dựng các công trình, phần việc của phụ nữ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia, nhất là mô hình “Tiếp nhận, trả lời yêu cầu nghiệp vụ” đã mang lại hiệu quả cao. Mô hình được Bộ Công an công nhận là một trong 20 mô hình tiêu biểu của phụ nữ công an toàn quốc, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen.
Chị Trần Thị Nhung chia sẻ: Là cán bộ phụ nữ, trong những năm qua tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cũng như trong công tác hội. Với đặc thù công việc có lượng hồ sơ, thủ tục cần giải quyết rất lớn, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận, tôi luôn chủ động cùng chị em trong đội nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chúng tôi luôn đoàn kết, gắn bó, nỗ lực phát huy tốt nhất vai trò, tài năng và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Với sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đối với công tác phụ nữ, đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh đã không ngừng nỗ lực cố gắng, ý thức trách nhiệm vươn lên, khẳng định trí tuệ, năng lực, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ngày càng trưởng thành và phát triển. Hiện nay, đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có 1.655 người có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó tiến sĩ và tương đương là 86 người; 82,22% cán bộ nữ chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có trình độ đào tạo sau đại học.
Để tiếp tục xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã linh hoạt lựa chọn nội dung hoạt động trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế, khẳng định vai trò, vị thế cán bộ, hội viên phụ nữ. Trong đó, tập trung quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy về đặc trưng con người Quảng Ninh để 100% cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh được học tập, tiếp cận bằng nhiều hình thức. Đồng thời, xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết, trọng tâm là tham gia phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước, với các đặc trưng “Bản lĩnh – Tự cường – Kỷ cương – Đoàn kết – Nghĩa tình – Hào sảng – Sáng tạo – Văn minh”; tuyên truyền, lan tỏa 6 giá trị đặc trưng của tỉnh: “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc”.
Các cấp hội phụ nữ chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tiếp tục thực hiện phong trào thi đua phù hợp với điều kiện thực tế để phát huy hiệu quả năng lực, vai trò của mỗi cán bộ, hội viên. Điển hình là các phong trào: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh có tri thức, đạo đức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện” gắn với phát huy phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quảng Ninh thời kỳ mới… Đồng thời, triển khai hiệu quả các mô hình nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho phụ nữ, như: Duy trì hoạt động hơn 1.300 CLB, mô hình trong xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; gần 500 CLB bóng chuyền hơi, gần 600 CLB dân vũ, khiêu vũ… Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh có tri thức, sức khỏe, tạo thành nếp sống văn hóa lành mạnh ở gia đình, cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ cũng được chú trọng quan tâm gắn với chủ trương chung của tỉnh về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2024, các cấp hội phụ nữ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án 1893 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025 gắn với các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh và hoạt động bồi dưỡng, tập huấn theo các chương trình, đề án, dự án tổ chức hội LHPN được giao chủ trì. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ hội chuyên trách về chuyển đổi số, kỹ năng tuyên truyền trên không gian mạng, đảm bảo thích ứng với môi trường làm việc thời đại 4.0, chính quyền số, thành phố thông minh.
Tin tưởng, với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, phụ nữ toàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, tình yêu quê hương, đất nước.