Tỉnh Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm, giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số năm thứ 10 liên tiếp. Thực hiện mục tiêu này, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH ngay từ đầu năm.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025). Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Quảng Ninh đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức dự báo có thể nhiều hơn, nhất là ngày càng có nhiều thách thức của những hình thái an ninh phi truyền thống phức tạp chứa đựng nhiều yếu tố bất định như thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng…
Nghị quyết số 20-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 thống nhất 15 chỉ tiêu chủ yếu về xây dựng Đảng, KT-XH và môi trường để triển khai thực hiện. Theo đó, phấn đấu giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số năm thứ 10 liên tiếp. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025… Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để các cấp, ngành tổ chức thực hiện.
Để tạo động lực cho các thành phần kinh tế phát triển, ngay từ đầu năm tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về vốn, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường… Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các KCN, KKT gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, với các dự án có trình độ công nghệ cao, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.
Đến nay, đã có những tín hiệu rất khả quan. Trong 2 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò là động lực mới trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh khi tăng 39,34% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác xúc tiến đầu tư, thu hút vốn FDI tiếp tục có hiệu quả, đạt 478,3 triệu USD và bằng 95,6% kịch bản quý I.
Ông Nguyễn Văn Nhân, đại diện chủ đầu tư KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, KCN Sông Khoai đã thu hút được 14 dự án với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ USD. Đây đều là các dự án FDI thế hệ mới, có công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn. Ngoài các dự án đã hoàn thành các hạng mục đầu tư và đi vào hoạt động, được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, hiện đơn vị đang tích cực triển khai để đưa thêm 7 dự án tại KCN đi vào hoạt động trong năm 2024. Trong đó, các dự án có quy mô đầu tư lớn, giá trị gia tăng cao như dự án sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn Foxconn, dự án sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam.
Ông Huang Jin Xing, Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất của tỉnh, hoạt động sản xuất của công ty được duy trì ổn định ngay ngày làm việc đầu tiên của năm 2024. Những tín hiệu rất khả quan từ đầu năm dự báo một năm thành công của chúng tôi. Dự kiến doanh thu của các nhà máy tại Quảng Ninh trong năm 2024 đạt 2,4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2023.
Đầu năm cũng là thời điểm du lịch sôi động. Các ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút khách du lịch thông qua tổ chức hàng loạt sự kiện quan trọng, như tổ chức các chương trình chào xuân; khai hội các lễ hội truyền thống; tổ chức đón và chào mừng 11 đội của Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper race mùa giải 2023-2024 đến Hạ Long… Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 3,44 triệu lượt, bằng 67,5% kịch bản tăng trưởng quý I.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Nguyễn Huyền Anh cho biết: Trong quý II, toàn tỉnh tiếp tục có gần 50 chương trình, sự kiện hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh. Trọng tâm là Carnaval Hạ Long hè 2024, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, Hội chợ OCOP, Liên hoan ẩm thực 2024. Ngoài ra, tại khắp các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng, khởi động mùa du lịch hè, góp phần cụ thể hóa mục tiêu năm 2024 Quảng Ninh phấn đấu thu hút ít nhất 17 triệu lượt khách.
Xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Ngày 1/1/2024, UBND tỉnh thành lập tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và liên ngành đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường để nắm bắt tình hình, kịp thời động viên và xử lý các khó khăn, vướng mắc trong GPMB, giải ngân vốn đầu tư công…
Tính đến ngày 28/2, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công là trên 14.600 tỷ đồng, cao hơn 325 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm cũng đạt trên 624,8 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch vốn, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Cùng với tập trung cho các ngành mũi nhọn, các địa phương, đơn vị đã bám sát kế hoạch, chương trình, chủ đề công tác năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, từ đó tích cực triển khai công việc; tăng cường chấn chỉnh, nâng cao tác phong công vụ, đẩy mạnh tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thúc đẩy các công việc, kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng ngành Than, rà soát, báo cáo Trung ương xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.