Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Vì thế, để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi bò lai 3B khép kín, an toàn dịch bệnh tại thôn Trại Thụ, xã Tràng Lương (TX Đông Triều) với quy mô 18 con bò giống. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Có thể thấy mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi cho bà con nơi đây cũng như tạo thành chuỗi khép kín từ cung cấp con giống tới bò thương phẩm để nâng cao giá trị, tăng thu nhập hiệu quả cho người dân.
Bà Bùi Thị Loan, thôn Trại Thụ chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình này, tôi cùng với 5 hộ khác đều được hỗ trợ 70% chi phí mua con giống, vật tư, thiết bị để phục vụ việc chăn nuôi. Bà con cũng được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi làm sao cho tốt, cho hiệu quả để bò khỏe mạnh, không bị dịch bệnh nên vì thế tôi rất yên tâm khi triển khai mô hình này. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi khép kín như thế này cũng giảm thiểu đáng kể tác động ra môi trường sống”.
Nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương, đặc biệt là tham gia vào chương trình OCOP, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhiều hộ gia đình, HTX đã tăng thu nhập bền vững cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Điển hình như HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà) là một điển hình trong việc ứng dụng KHKT vào chăn nuôi giống gà bản địa. HTX Tuyền Hiền là đơn vị chọn lọc, sản xuất thành công giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. HTX còn liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi gà bản, tạo ra nông sản sạch, chất lượng cao. Quy trình sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn, đến bao tiêu sản phẩm. HTX đang liên kết với hàng trăm hộ nông dân phát triển, chăn nuôi giống gà này. Sản lượng tiêu thụ của HTX đạt 100.000 con/năm, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Hay như HTX Thương mại, dịch vụ và sản xuất nông, lâm, thủy sản Tuấn Hùng (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) sản xuất gạo Bao thai (đã được chứng nhận OCOP 3 sao). Gạo được sản xuất từ giống lúa Bao thai thuần chủng của địa phương, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Gạo khi nấu cơm bông đều, dẻo, thơm, vị bùi ngậy. Gạo Bao thai Dực Yên còn là nguyên liệu chính để làm bánh phở, bánh gật gù… Gạo Bao thai được chế biến bằng dây chuyền tự động khép kín từ khâu xay xát, đến đóng gói sản phẩm, đảm bảo VSATTP.
Có thể thấy những nông sản đặc trưng ở các địa phương từ sản xuất thủ công đến nay đã được sản xuất với quy mô lớn, hiện đại, đảm bảo được về chất lượng, ATTP nên đã thúc đẩy được quá trình tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 560 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, với 334 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao. Hiện nay, tỉnh có 133 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 333 cửa hàng tiện lợi, 25 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, 24.000 cửa hàng/hộ kinh doanh bán lẻ thực phẩm. Để đảm bảo về chất lượng, các doanh nghiệp OCOP đã chủ động nguyên liệu, tập trung nhân lực sản xuất các sản phẩm OCOP, các siêu thị, cửa hàng đã sẵn sàng nguồn cung ứng và dự trữ hàng hóa đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được niêm yết giá rõ ràng.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số; chú trọng phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… đã góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.