Hiện trên địa bàn huyện Bình Liêu có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1/6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt chuẩn đô thị văn minh. Với kết quả này, ngày 6/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 148/QĐ-TTg công nhận huyện Bình Liêu đạt chuẩn NTM. Như vậy Bình Liêu là huyện đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM.
Trở lại thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, năm 2010, Bình Liêu là huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người là 8,82 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hơn 60%. So với bộ tiêu chí quốc gia về NTM, 6 xã nông thôn của huyện khi đó mới đạt 2,6/19 tiêu chí và 9,8/39 chỉ tiêu. Riêng các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất và môi trường, đều không có xã nào đạt.
Trước thực trạng này, huyện Bình Liêu đã phân công các đồng chí lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng NTM theo lĩnh vực và theo địa bàn; định kỳ tổ chức giao ban với các xã thôn để kiểm điểm công tác xây dựng NTM; thành lập, kiện toàn bộ máy tổ chức chỉ đạo và thực hiện NTM từ huyện đến cơ sở; thành lập tổ giúp việc NTM (sau là văn phòng điều phối NTM); thành lập tổ tư vấn hướng dẫn, lập thẩm định các công trình hạ tầng, phát triển sản xuất vùng nông thôn; thành lập ban chỉ đạo huy động nguồn lực dành cho NTM.
Cách làm NTM trong 13 năm qua của Bình Liêu cũng rất sáng tạo, tiên phong, phù hợp yêu cầu thực tế và đặc thù địa phương. Đó là biến nhiệm vụ xây dựng NTM thành phong trào thi đua triển khai sâu rộng, sôi nổi đến mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, hệ thống chính trị – xã hội, trong đó người dân giữ vai trò chủ thể. Bình Liêu chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, về điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, điện, nước, chợ, thông tin liên lạc, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường… tạo nền tảng cho phát triển kinh tế. Huyện chuyển đổi phương thức sản xuất từ tự cung, tự cấp sang phát triển sản xuất hàng hóa, có ứng dụng khoa học kỹ thuật; phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng con người Bình Liêu văn minh, thân thiện, năng động; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hệ thống chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Quyết tâm lớn, nguồn lực mạnh, cách làm trúng, đúng đã giúp huyện Bình Liêu từng bước gỡ các điểm khó, nút thắt trong hành trình xây dựng NTM của mình, từng bước tạo ra vùng nông thôn đổi mới, người dân ấm no, địa bàn vững mạnh.
Huyện Bình Liêu hôm nay có diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương… văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, môi trường được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững. Những thông số cho thấy hiệu quả của chương trình xây dựng NTM trên vùng đất khó Bình Liêu.
Với quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, chính quyền và nhân dân Bình Liêu tiếp tục sôi nổi thi đua phát triển kinh tế, làm giàu, đẹp vùng quê nông thôn Bình Liêu. Đây là tiền đề để huyện Bình Liêu được đặt trong cơ hội phát triển mới, tiến lên trở thành địa phương phát triển KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc ANQP ở một trình độ cao hơn, tiến lên là khu kinh tế cửa khẩu biên mậu Hoành Mô – Động Trung sôi động và trung tâm du lịch trải nghiệm văn hoá đặc sắc.