Ngày 24/2, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp, nghe báo cáo về công tác xây dựng Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ninh; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn 2021-2030 tại tỉnh.
Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài với trên 6.000km2 diện tích mặt biển. Hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại (Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg) thuộc nhóm I – là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế…
Khối lượng hàng hóa qua các cảng của Quảng Ninh tăng đều qua từng năm. Năm 2023 khối lượng hàng hóa đạt 139 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2022, chiếm khoảng 15% khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trên toàn quốc. Đối với các cảng biển nhóm 1 phía Bắc, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh chiếm khoảng 52% đến 57%.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về xây dựng Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2025, bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh… UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tham gia ý kiến về quy hoạch, tổng hợp báo cáo Bộ GTVT trong tháng 2/2024. Trong quá trình triển khai, bám sát các quy hoạch để đề xuất, đầu tư, phát triển hạ tầng cảng biển, thực hiện rà soát, làm rõ những tồn tại, khó khăn.
Tại cuộc họp, trên cơ sở thẳng thắn, nhìn nhận hiện trạng, đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan đều có chung ý kiến Quảng Ninh sở hữu nhiều lợi thế, tuy nhiên cảng biển chưa thực sự phát huy hết tiềm năng đang có.
Cụ thể, công tác đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển còn chậm, cần nguồn vốn lớn, trong khi nguồn hàng xuất/nhập chưa ổn định, điều này khiến tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, tuy nhiên chưa có nhà đầu tư thật sự quan tâm đầu tư đến hạ tầng cảng biển. Hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh chủ yếu thông qua hoạt động chuyển tải, hoạt động dịch vụ cảng biển và logistics còn gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi chính sách xuất nhập khẩu; giải pháp liên kết, tiêu thụ, giao nhận, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh thông qua cảng biển Quảng Ninh chưa có nhiều đổi mới…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Kinh tế biển được Quảng Ninh xác định là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2030. Những năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, đặc biệt hạ tầng giao thông luôn định hướng kết nối đồng bộ, liên thông, tổng thể đối với các cảng biển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên các cảng của Quảng Ninh chưa thực sự phát huy hiệu quả, lợi thế cạnh tranh, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh.
Đồng chí đề nghị Sở GTVT, các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tham mưu UBND tỉnh báo cáo, làm việc với Bộ GTVT để định hướng phát triển thực sự hiệu quả của cảng biển. Trong đó cần lưu ý đề xuất, làm rõ các khu vực cảng cụ thể, cân đối để sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, ưu tiên nguồn lực ngoài ngân sách; triển khai cải tạo, nạo vét luồng hàng hải, tính toán các vị trí đổ thải…
Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đưa đầu tư cảng biển vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển cảng biển; đề xuất, tham gia ý kiến điều chỉnh quy hoạch vùng nước phù hợp với định hướng, quy hoạch của tỉnh, đặc biệt khu vực vùng nước có tác động của quản lý di sản vịnh Hạ Long.
Cần tiếp tục có giải pháp để nâng cao năng lực chuyển tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh để phát huy lợi thế khu vực nước sâu; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án cảng biển đã và đang triển khai; đẩy nhanh việc lập và phê duyệt Đề án Phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT tham mưu đề xuất Chính phủ tái khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên – Cái Lân, nghiên cứu tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh để kết nối đồng bộ các phương thức vận tải đến các cảng biển nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư hệ thống cảng biển theo quy hoạch.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh để gom hàng và phát huy lợi thế cảng, bến thủy nội địa đóng góp cho cảng biển.