Trước việc một số rạp chiếu phim ở TPHCM không kiểm soát chặt chẽ độ tuổi của khán giả vào xem phim “Mai” dù phim được dán nhãn 18+, Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã vào cuộc.
Mới đây, phóng viên ghi nhận ở một số cụm rạp tại TPHCM, khâu soát vé khá lỏng lẻo, để “lọt” nhiều khán giả dưới 18 tuổi mua vé xem phim Mai dù tác phẩm này dán nhãn 18+ (T18 – dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên).
Trước thực trạng này, phóng viên đã liên hệ với ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh – để hỏi về việc rạp để lọt khán giả dưới 18 tuổi xem phim đã dán nhãn sẽ xử lý thế nào. Ông Thành cho biết, Cục không có chức năng xử lý việc này mà thẩm quyền thuộc về Thanh tra Bộ Văn hóa.
Sáng 21/2, trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Liêm – Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch – cho biết, đơn vị này luôn chỉ đạo các rạp chiếu phim phải làm đúng quy định, phải đảm bảo tuổi vào xem phim đúng như dán nhãn.
Trước thông tin về một số rạp chiếu phim ở TPHCM vẫn vô tư cho học sinh vào xem mà không phải xuất trình giấy tờ tùy thân, ông Liêm nói sẽ chỉ đạo ngay Thanh tra Văn hóa vào cuộc để kiểm tra, giám sát.
“Nếu các rạp không làm nghiêm ngặt, khi kiểm tra mà phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý. Việc này được ghi cụ thể ở Quy định phổ biến phim trong rạp chiếu phim, phổ biến phim trên không gian mạng.
Người đứng đầu rạp chiếu phim sẽ chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát độ tuổi của người xem phim. Nếu có vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật mà không bao che”, ông Liêm thẳng thắn.
Chia sẻ về việc học sinh vô tư vào rạp xem phim Mai đã dán nhãn 18+, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, Chuyên gia Tâm lý – Giáo dục, cho rằng thực trạng này có nhiều vấn đề cần xem xét.
Theo bà Giang, trẻ em dưới 18 tuổi có tâm lý chung là hiếu kỳ, nhiều sự tò mò về tình yêu, cuộc sống và thích thể hiện mình là người lớn.
Việc truyền thông quá tốt của phim Mai khiến cho các em muốn được xem và vì chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc xem phim quá tuổi, nên các em sẵn sàng “khai gian” để được vào rạp.
“Thực tế, chúng ta phải đặt câu hỏi rằng chính người lớn, bố mẹ của các em cũng có nhận thức được thế nào là phim 18+ chưa, có biết con đi xem phim đó không, có khuyên nhủ gì con không? Nếu câu trả lời là không, chúng ta cũng nên nhìn nhận lại, đây không chỉ là vấn đề của con, mà là của cả gia đình, thậm chí nhà trường”, Tiến sĩ Giang nói.
Về phía hệ thống nhà rạp chiếu phim, chuyên gia cho rằng, đây là các đơn vị kinh doanh, và nhiều nơi đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, sau đó mới là những vấn đề khác. Do vậy, theo chia sẻ của nhiều học sinh, là mua vé không cần xuất trình giấy tờ, mà chỉ dựa trên lời nói của khán giả, các em đã nhiều lần xem phim gắn nhãn 18+ , thể hiện sự “tắc trách” của đơn vị chiếu phim.
“Việc làm này có thể khiến các rạp chiếu phim gia tăng doanh thu, lợi nhuận nhưng về mặt xã hội, nó gây ra những hậu quả rất khó lường. Do vậy, những đơn vị làm công tác này, cần phải có ý thức về cộng đồng cũng như đạo đức trong nghề nghiệp.
Tôi nghĩ, các cơ quan chủ quản, trong khi đợi các nhà rạp tự giác, cũng cần có biện pháp xử phạt nếu như phát hiện vi phạm về việc bán vé sai độ tuổi, hoặc bắt buộc yêu cầu xuất trình giấy tùy thân với phim cấm trẻ em.
Phim ảnh cũng như hệ thống rạp chiếu phim, phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí cho người dân. Do vậy, thật đáng tiếc nếu vì những lý do nào đó, mà nó trở thành nơi khiến các em bị ảnh hưởng về tinh thần và lệch lạc về nhận thức, hành vi sau này”, nữ Tiến sĩ thẳng thắn.
Về câu hỏi: “Tác hại của việc trẻ em khi xem phim dành cho người lớn?”, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang cho hay, trẻ dưới 18 tuổi vẫn còn đang phát triển không đồng đều về mặt cơ thể, nhìn chung nhận thức có nhiều sự phiến diện, đồng thời cảm xúc, tâm lý chưa ổn định. Nhiều em nhìn phổng phao như người lớn, nhưng các cơ quan, chức năng khác vẫn đang không ngừng hoàn thiện.
Trong thời kỳ “khủng khoảng tuổi dậy thì”, nhiều em dễ bị bốc đồng, thất thường, thậm chí nổi loạn… Đây là lứa tuổi mà các em đang tìm hiểu và định hình về bản thân, lối sống, về con người của mình, cũng là giai đoạn các em có cái tôi rất cao, thích được cho là người lớn. Bố mẹ và thầy cô phải nỗ lực rất nhiều để có thể tương tác, giáo dục giúp các em nhận thức đúng.
Do vậy, việc tiếp xúc với những hình ảnh “nhạy cảm” của người lớn, hoặc những nội dung không phù hợp dễ khiến các em bị lệch lạc về hành vi và nhận thức.
“Tôi thực sự lo ngại với việc giới trẻ thời nay tiếp xúc quá sớm với các hình thức bạo lực, phim ảnh 18+… trên mạng Internet. Trong khi đó, bố mẹ rất khó quản lý, thậm chí các em nhiều khi không chủ động tiếp cận nhưng vẫn nhìn thấy do đề xuất, và tò mò bấm xem.
Và thật đáng buồn, là ngay cả thứ chúng ta có thể kiểm soát (như việc xem phim đúng theo độ tuổi), chúng ta cũng không thực hiện được một cách nghiêm túc”, bà Giang bày tỏ.