Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp mới, qua đó hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành và đổi mới trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thành lập mới được 2.731 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, có 782 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 102 HTX thành lập mới, qua đó đã tạo ra hơn 21.000 việc làm tăng thêm, tăng 5% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã đóng góp vào tổng thu thuế, phí của tỉnh là 28.556 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 82% tổng thu thuế, phí toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; tham gia ủng hộ triển khai chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh, chương trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã có nhiều đóng góp tích cực, cùng Quảng Ninh vượt khó trong năm 2023, giúp tỉnh hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Quảng Ninh đã giữ được đà tăng trưởng GRDP trên hai con số năm thứ 9 liên tiếp; nhiều chỉ tiêu về văn hóa – xã hội con người của cả giai đoạn 2020-2025 đã thành công…
Để có được kết quả này, ngoài những nền tảng về môi trường đầu tư kinh doanh được khẳng định qua nhiều năm thì các công tác về cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động kinh doanh được duy trì thường xuyên đạt hiệu quả thực chất. Năm 2023, lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức gặp mặt, tiếp xúc cử tri chuyên đề, chuyên sâu với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã để lắng nghe, giải quyết các vấn đề khó khăn. Sau cuộc gặp, đã có một nghị quyết chuyên đề để góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong năm 2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp năm 2023. Trong đó, tập trung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ kê khai thuế, kế toán, công nghệ, khởi nghiệp, mở rộng thị trường, thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng đến việc gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2023, qua các chương trình tiếp xúc doanh nghiệp và qua nhiều kênh thông tin khác, đã có 97 ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được giải quyết, trả lời thỏa đáng.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá rất cao công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là người đứng đầu tỉnh luôn kịp thời lắng nghe, tìm giải pháp tháo gỡ khó cho doanh nghiệp. Qua các cuộc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp hoặc qua các kênh thông tin gián tiếp, trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ.
Với mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp trong năm 2024, tỉnh xác định việc đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, vốn, nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp…
Nhờ nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã có 328 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, nâng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 17.262 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc; tổng số vốn đăng ký của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đạt gần 346.000 tỷ đồng. Cũng trong tháng đầu năm 2024, đã có 23 HTX thành lập mới, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (chiếm 87%), còn lại là các ngành nghề bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống…