Một trong những ca sĩ đầu tiên hát cho phòng trà Trịnh Ca (Hà Nội) phải kể đến Thanh Hương. Gắn bó với “Diễm xưa”, “Biển nhớ”, “Cát bụi”… bao nhiêu năm nay nhưng chị bất ngờ bật mí: “Cát-xê bèo bọt lắm, có khi chẳng đủ để uống cà phê sáng. Nếu chỉ hát nhạc Trịnh, không làm thêm nghề tay trái thì ca sĩ khéo bị đói dài”. Lý do khiến Thanh Hương cũng như nhiều ca sĩ khác không muốn chia tay dòng nhạc này, chỉ bởi vì: “Lỡ yêu rồi. Biết làm sao đây!”.
Đừng nghĩ đi hát là hái ra tiền!
Thanh Hương không ngại nhắc đến con số: “Vài trăm ngàn một đêm diễn thôi”. Nhưng chị không trách đơn vị tổ chức: “Nếu trả cát-xê cao hơn thì phòng trà cũng chẳng tồn tại được. Phòng trà Trịnh Ca chẳng hạn, tuy đông khách nhưng sau khi trả cát-xê cho nghệ sĩ có khi họ còn lỗ vốn”.
Trịnh Trí Anh, sinh năm 1996, là giọng ca trẻ chuyên hát nhạc Trịnh hiện nay. Anh xác nhận mức cát-xê mà “đàn chị” Thanh Hương tiết lộ là hoàn toàn chính xác, không nói quá hay nói giảm. Nhưng theo ca sĩ Thanh Hương, tuy mức cát-xê chị và đồng nghiệp hát ở phòng trà ở Hà Nội nhận được khá thấp song so với một số nơi khác vẫn còn rôm rả hơn. Như một phòng trà mang tên một ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt chỉ trả 150 ngàn đồng cho một ca sĩ trong một đêm hát. Sinh thời, Xuân Diệu viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng xem ra, thời nay cơm áo cũng chẳng đùa với nhiều ca sĩ.
Đào Thanh Hương tâm sự: “Đi hát ở những phòng trà lớn như ở Sài Gòn thì không nói làm gì, hát mấy quán chuyên nhạc Trịnh ở thủ đô hay Đà Lạt thì không ăn thua. Có những quán khai trương hoành tráng. Ban đầu cũng trả cát-xê cho ca sĩ xông xênh, lên đến tiền triệu, nhưng được vài buổi đã nghỉ, vì làm sao đủ tiền trả cho ban nhạc và ca sĩ, chưa kể tiền trả điện nước, tiền thuê nhân viên, thuế má… Chủ quán cũng nặng gánh lắm. Nói không ai tin, cứ tưởng ca sĩ giàu nhưng đó là ca sĩ hàng diva, ngôi sao này kia, chứ nhiều ca sĩ nghèo rớt. Cứ xem ngay trong làng ca sĩ đeo đuổi dòng nhạc Trịnh mấy ai được mến mộ, nổi bật như Hoàng Trang? Cứ phải nổi hẳn như thế thì “sô” còn nhiều”.
Tuy cát-xê khiêm tốn nhưng đã lên sân khấu ca sĩ vẫn phải lộng lẫy, sang trọng: “Đã đi hát thì phải có bộ áo dài đẹp, cái váy đẹp. Một chiếc váy được may ở hiệu may bình thường cũng đã ngốn tiền triệu chứ chưa nói hàng hiệu. Thế mà cũng phải cố, bởi không thể mặc sơ sài lên sân khấu được”, Thanh Hương nói. Một ca sĩ khác, cũng chuyên hát nhạc Trịnh, lại kể: “Tôi biết có những nữ ca sĩ còn phải xin những bộ áo dài cũ của người khác đã mặc rồi để sửa chữa, khâu lại rồi dùng tiếp. Họ không có khả năng thường xuyên tậu những bộ cánh mới”. Không biết có phải vì cát-xê không cao nên một vài tên tuổi từng ghi dấu ấn với nhạc Trịnh, nay vắng bóng. Phóng viên liên lạc với Lô Thuỷ được biết hiện nay chị đã ít hát nhạc Trịnh, dù vẫn theo nghiệp cầm ca.
Có những diễn viên cải lương trong hoàn cảnh khó khăn phải làm đủ thứ nghề mưu sinh, như làm MC đám cưới chẳng hạn. Các ca sĩ theo dòng nhạc Trịnh cũng không khác. Nhiều người trong và ngoài giới đều biết, ca sĩ Thanh Hương có điều kiện vật chất tốt, song chị “khai”: “Tôi không buôn bán thêm thì lấy tiền đâu mua nhà, ôtô?”. Ngay trong nghề ca hát, chị cũng cố gắng đa dạng hoá đối tượng phục vụ, địa điểm phục vụ. Thanh Hương chia sẻ: “Đi hát tiệc do tư nhân mời mới được nhiều tiền. Hát một tối có khi thu nhập bằng cả tháng thậm chí cả năm hát ở quán, đã thế, lại không cầu kỳ kèn, trống. Có những khách thích nghe nhạc Trịnh, họ yêu cầu tôi hát mộc, chỉ cần một người đệm guitar là được, chẳng cần cả ban nhạc. Khách lại thích nghe lãng đãng thế”.
Ca sĩ 9x Trịnh Trí Anh may mắn được bố mẹ và gia đình cổ vũ, hỗ trợ anh theo dòng nhạc Trịnh. Nhưng bản thân Trí Anh cũng chịu khó “cày”, không quá kén chọn lời mời biểu diễn. Trịnh Trí Anh nói: “Nếu chỉ hát nhạc Trịnh ở phòng trà thì cuộc sống hơi khó khăn. Cho nên, nơi đâu mời tôi cũng đi, hát ở tiệc, hát ở sự kiện, tôi đều gật đầu”.
Mối duyên bền lâu
Thanh Hương gắn bó với nhạc Trịnh từ năm 2001, khi tác giả “Cát bụi” vừa nằm xuống: “Nhân 100 ngày mất Trịnh Công Sơn tôi được anh Nguyễn Thuỵ Kha và mấy anh nữa mời hát ở Cung văn hoá Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Hôm đó tôi được hội ngộ cùng nhiều anh chị em nghệ sĩ khác như anh Quang Thọ, Nhóm 5 dòng kẻ, em Lô Thuỷ, Vân Anh, Lâm Phương…”.
Như nhiều ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh, Thanh Hương biết và yêu nhạc Trịnh từ thuở nhỏ: “Tôi nghe Trịnh qua băng Sơn Ca 7 với tiếng hát Khánh Ly. Tôi đã mê Tuổi đá buồn, Nhìn những mùa thu đi, Tình xa, Tình nhớ… từ khi ấy”. Chị vốn là “quân” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, đã từng hát nhiều dòng nhạc khác nhau, sau này quyết định trụ lại với nhạc Trịnh: “Dòng nhạc nào cũng có vẻ đẹp riêng. Nhưng tôi yêu nhạc Trịnh vì lời của ông viết rất hay, rất thấm”. Theo nữ ca sĩ, hát nhạc Trịnh không nên dụng kỹ thuật luyến láy nhiều và đặc biệt phải hát chuẩn ca từ: “Nhạc Trịnh khó ở đó”.
Ca sĩ Trịnh Trí Anh yêu nhạc Trịnh từ thuở mẫu giáo vì bố mẹ anh là fan của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Họ thường xuyên mở nhạc Trịnh làm lan toả tình yêu này đến những thành viên khác trong gia đình. Nhiều người nói, để hát nhạc Trịnh thành công cần có sự trải đời nhất định nhưng Trí Anh vẫn tự tin hát nhạc Trịnh.
Cũng như “đàn chị” Thanh Hương, Trí Anh đặc biệt quan tâm đến phần lời của ca khúc: “Trước khi hát tôi luôn đi tìm lời ca gốc của nhạc sĩ, qua nhiều nguồn khác nhau”. Anh cho biết, hiện nay hát ở phòng trà nhiều áp lực, vì hầu hết các phòng trà đều livestream đêm diễn: “Lỡ hát sai khán giả sẽ biết và nhắc nhở ngay ở phần bình luận phía dưới. Áy náy lắm”. Phóng viên hỏi Trí Anh: “Nếu theo nhạc trẻ, khéo bây giờ anh đã nổi tiếng như Mono? Có khi nào anh chạnh lòng vì đeo đuổi nhạc Trịnh độ phủ sóng không cao?”. Nam ca sĩ trẻ đáp: “Tôi cũng hiểu như vậy nhưng tâm hồn tôi dành cho nhạc Trịnh rồi”.
Hạnh phúc của người hát nhạc Trịnh không đến từ những bó hoa được kết bằng tiền mặt mà là những lời bình luận, góp ý thiện chí của khán giả sau mỗi ca khúc họ trình bày. Trí Anh ấp ủ dự án trong thời gian tới: “Tôi muốn phát hành album nhạc Trịnh bằng nguồn tài chính gom góp được”. Tôi ngạc nhiên: “Phát hành album thời điểm này cực kỳ dễ lỗ. Anh không sợ?”. Giọng ca 9x cười: “Tôi làm vì tình yêu nhạc Trịnh”. Trí Anh trải lòng, anh chưa từng được gặp gỡ, chuyện trò với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngoài đời. Năm vừa qua, anh vào Sài Gòn và đã đến thăm mộ Trịnh Công Sơn. Trước mộ nhạc sĩ, anh thổ lộ tâm nguyện của mình.
Theo đuổi nhạc Trịnh, Trí Anh có thể không đình đám như ai, không giàu có như ai nhưng anh được thỏa mãn đam mê. Đó cũng là hạnh phúc của những ca sĩ chuyên dòng nhạc Trịnh. “Gã du ca” Trịnh Sơn Truyền nói với phóng viên: “Dù không có tiền nhưng tôi thấy cuộc đời tôi có ý nghĩa, trở nên đáng sống nhờ nhạc Trịnh. Cho nên, tôi sẽ giữ gìn dòng nhạc này đến tàn hơi thở”.
“Đu” theo trào lưu là chính?
Theo ca sĩ Thanh Hương, nhạc Trịnh vẫn rất thịnh nhưng ở bề nổi nhiều hơn: “Nhiều ca sĩ trẻ hát theo trào lưu. Họ chỉ thuộc 1-2 ca khúc của Trịnh, dần dần đi hát nhiều thành quen, thế mà vẫn hát sai lời nhiều lắm. Có ca sĩ hát bài Biển nhơ rất quen thuộc, vẫn bị sai lời, hỏng cả bài hát”. Với Thanh Hương, người hát nhạc Trịnh thành công nhất đến thời điểm này vẫn là Khánh Ly: “Chưa ai qua được bà. Nhiều ca sĩ ngôi sao đã thử sức với nhạc Trịnh nhưng cũng chỉ dạo qua, chưa để lại dấu ấn sâu đậm”.
Ngay nhiều khán giả dù đến phòng trà nghe nhạc Trịnh song tâm hồn lại để nơi khác. Ghi nhận của ca sĩ Thanh Hương: “Họ cứ đến nghe theo trào lưu, vì ở đâu cũng nói đến nhạc Trịnh. Chẳng lẽ tôi chụp ảnh để chứng minh, cứ 10 người khách có đến 7-8 người tập trung vào chiếc điện thoại thông minh”. Dù yêu nhạc Trịnh song nếu biểu diễn liên tục, chính các ca sĩ cũng mất tinh thần: “Một tuần hát mấy buổi nhạc Trịnh thì chính tôi cũng chán”. Vì thế, các ca sĩ vẫn thường đổi gió bằng cách khai phá thêm dòng nhạc xưa.
Trước sự tấn công của các phương tiện nghe nhìn, giải trí, “gã du ca” Trịnh Sơn Truyền tin tưởng: “Cái đích của âm nhạc là hướng người ta tới những điều tử tế, tốt lành. Nhạc Trịnh có cái gốc ấy nên sức sống bền lâu”. Tuy nhiên, theo Trịnh Sơn Truyền, nhạc Trịnh cũng rất cần có sự đầu tư, có kế hoạch đường dài để bảo tồn và phát triển.