Năm 2024, dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến thời tiết nước ta và có xu hướng mạnh hơn, kéo theo nguồn nước suy giảm. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện năm 2024 đạt khoảng 308 tỷ kWh (tăng 9,6% so với năm 2023), trong khi tại miền Bắc không có nguồn điện mới bổ sung vào vận hành. Để đảm bảo điện cho khu vực miền Bắc, các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đang chủ động các giải pháp cho kế hoạch sản xuất điện mùa khô.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2024, miền Bắc chưa thể hy vọng nhận thêm điện từ miền Trung và miền Nam chuyển ra, vì Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối (Bắc Ninh) tới đầu tháng 12/2023 mới có đủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho cả 4 dự án thành phần. Do đó, các nguồn nhiệt điện vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024. Trước yêu cầu của Bộ Công Thương, các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sản xuất 38,5 tỉ kWh trong năm 2024 (cao nhất từ trước đến nay).
Đặt mục tiêu đề ra, các nhà máy nhiệt điện đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho sản xuất điện mùa khô. Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, năm 2024 được Bộ Công Thương giao sản lượng điện sản xuất là 7,727 tỷ kWh (vượt cao so với công suất thiết kế là 7,2 tỷ kWh). Với mức sản lượng điện này, Công ty xây dựng phương án kế hoạch vận hành hàng tháng và cho cả năm 2024 với nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm để cả 4 tổ máy đạt công suất tối ưu nhất. Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo phát mùa khô năm 2024 và các năm tiếp theo của Công ty để tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, như: Thực hiện các giải pháp củng cố máy móc thiết bị phục vụ phát điện mùa khô (nạo vét, cải tạo hệ thống kênh tuần hoàn, hệ thống nghiền than, các máy cấp than mịn…,); làm việc với các đơn vị tư vấn điện quốc tế để khảo sát, đánh giá và hỗ trợ nghiên cứu các phương án đưa các hệ thống thiết bị về vận hành với công suất thiết kế sau thời gian dài vận hành. Công ty đã hoàn thành ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp và đảm bảo khối lượng nhiên liệu dự trữ trong kho theo tỷ lệ quy định.
Ông Ngô Sinh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, cho biết: Đơn vị đã phát động thi đua phát điện mùa khô năm 2024 với kế hoạch đặt ra trong 6 tháng đầu năm là phấn đấu sản xuất trên 4 tỷ kWh (hoàn thành khoảng 55% kế hoạch sản lượng cả năm 2024). Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đối với Công ty Nhiệt điện Mông Dương, năm 2023 có nhiều thành công trong hoạt động phát điện khi đã vận hành đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm điều độ hệ thống lưới điện quốc gia với tổng sản lượng điện sản xuất đạt 7,15 tỷ kWh (đạt 101,8% kế hoạch giao và đạt cao nhất từ trước đến nay).
Xác định năm 2024, Công ty đặt mục tiêu sản xuất khoảng 7,18 tỷ kWh. Tính đến hết ngày 10/2, Công ty đã sản xuất đạt trên 700.000 kWh. Riêng trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, do nhu cầu điện sản xuất giảm nên Công ty tập trung vận hành Tổ máy S1 theo phương thức huy động từ Trung tâm Điều độ hệ thống lưới điện quốc gia. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Mông Dương, khẳng định: Tổ máy S2 của đơn vị đang dừng dự phòng và sẵn sàng khởi động khi có huy động từ hệ thống. Trong thời gian dừng dự phòng, Công ty kết hợp tiến hành xử lý một số khiếm khuyết đảm bảo thiết bị vận hành an toàn và tin cậy trong giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024 sắp tới. Đảm bảo cho sản xuất điện mùa khô theo đúng kế hoạch, công tác chuẩn bị nhiên liệu cũng được chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng, lượng than tồn kho luôn đáp ứng được cho 14 ngày vận hành đầy tải của các tổ máy.
Tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí, kế hoạch đặt ra 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện đạt trên 2 tỷ kWh. Ngay từ tháng 11/2023, Công ty tổ chức phát động thi đua giảm sự cố, đảm bảo sẵn sàng phát điện các tổ máy giai đoạn mùa khô năm 2023-2024. Phong trào này nhằm khuyến khích các cấp tổ đội sản xuất, các đơn vị trong Công ty tăng cường kỷ luật vận hành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng các thiết bị tại chỗ để phát hiện xử lý kịp thời các bất thường, đảm bảo các nhà máy luôn sẵn sàng đáp ứng tốt phương thức huy động. Đồng thời, nguồn vật tư dự phòng cũng được Công ty chuẩn bị sẵn sàng ngay từ đầu năm và nguồn nguyên liệu than luôn được tính toán chi tiết để các tổ máy vận hành liên tục.
Quảng Ninh ngoài là trung tâm sản xuất than, còn là một trong những trung tâm sản xuất điện lớn nhất của cả nước với 7 nhà máy nhiệt điện than. Tổng công suất phát điện là 5.640MW, tổng sản lượng điện sản xuất hàng năm dao động từ 35 tỷ kWh đến gần 37 tỷ kWh. Hàng năm, các nhà máy nhiệt điện đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 3.500 lao động với mức lương thu nhập bình quân 16,5 triệu đồng/người/tháng.
|