Đất nước Mông Cổ ở độ cao bình quân 1.580m so với mực nước biển, là đất nước ở gần bầu trời! Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954, Mông Cổ là nước đầu tiên ở vùng Đông Bắc Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Hạnh phúc mang tên người Việt Nam
Vào ngày cuối thu năm 2023, tôi cùng anh Nguyễn Văn Trinh đều là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ, tới Đại sứ quán Mông Cổ tại phố Vạn Bảo, quận Ba Đình, Hà Nội. Vừa nghe tiếng chuông báo có khách, anh Glbaadav Kharbayar đã ào ra cửa nắm chặt tay tôi. Cái bắt tay siết chặt như hồi gặp nhau trên thảo nguyên muôn hồng ngàn tía của đất nước Mông Cổ.
Anh Glbaadav Kharbayar là cựu sinh viên cao học ngành y tại Hà Nội. Năm 2022 anh được bổ nhiệm là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam. Khi đang là sinh viên tại Hà Nội, anh được các bạn sinh viên yêu quý đặt cho tên Việt Nam là Tuấn. Tên Tuấn theo anh đến bây giờ và sẽ theo suốt đời. Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Mông Cổ tại Việt Nam nhiệm kỳ trước Dorj Enkhabat rất vui và hạnh phúc mang tên Việt Nam là Bảo. Nhà văn Dashtsevel Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ – Việt Nam mang tên Việt Nam là Viên…
Trong cuộc gặp mặt anh Tuấn tại Thủ đô Ulanbato, anh tâm tình với tôi:
– Người Mông Cổ công tác, học tập tại Việt Nam, người nào cũng có riêng cho mình một cái tên Việt Nam!
Hôm nay, ngày thu Hà Nội, anh Tuấn nhắc đến hạnh phúc về tên người. Anh cho rằng: Tên riêng là “Di sản văn hóa phi vật thể” cuộc đời con người!
Tôi và anh Nguyễn Văn Trinh được ngài Jigjee Sereejav, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Mông Cổ, niềm nở đón tiếp. Cô gái xinh đẹp như nàng tiên thảo nguyên tên Jann Tumuruya là Bí thư thứ ba của Đại sứ quán, làm phiên dịch. Cô là cựu sinh viên đại học tại Hà Nội. Cô phát âm chuẩn tiếng Việt phổ thông người Hà Nội. Chúng tôi cùng ngài Đại sứ và Bí thư thứ ba bàn về các chương trình văn hoá chào mừng kỷ niệm 70 năm 2 nước Việt Nam – Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. Thế hệ ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền cùng toàn bộ cán bộ Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam năm 1954 ngày ấy, giờ đã hóa “làn mây trắng trên đất nước thảo nguyên”. Những người vinh dự ký kết văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước nay đã ở thế giới khác. Nhưng năm nay, 70 năm, ngày lịch sử 17/11 (1954 – 2024) vẫn nóng hổi trong trái tim mỗi người Việt Nam và Mông Cổ.
Sau cuộc làm việc thắm tình hữu nghị, ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Mông Cổ và cô Bí thư thứ ba bày tỏ với tôi:
– Chúng tôi muốn nhà văn Việt Nam đặt cho mỗi người chúng tôi một cái tên Việt Nam!
Tôi cảm động vì sự tin cậy của ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Mông Cổ và cô Bí thư thứ ba. Tôi bâng khuâng nhìn qua khung cửa sổ của Toà Đại sứ quán. Lúc này, bầu trời Hà Nội nắng thu vàng rực rỡ. Từ trong tim tôi hiện lên 2 cái tên Việt Nam mang đậm cảnh sắc trời thu Hà Nội. Tôi trân trọng nói với ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Mông Cổ:
– Tên Việt Nam của ngài là Hoàng. Hoàng là nắng thu vàng chan hoà bầu trời Hà Nội. Hoàng là vàng – Tài nguyên giàu có và quý giá của nước Mông Cổ!
Tôi thân mật nói với cô Bí thư thứ ba:
– Tên Việt Nam của cô là Thu. Thu là mùa thu Hà Nội. Mùa Thu Hà Nội bay bay lá cây bàng rơi nghiêng giống như lá cây Phong trên đường phố Ulanbato. Ngài Hoàng và cô Thu rất cảm động đón nhận tên Việt Nam cho mình. Ngài Hoàng ôm tôi thật chặt trong căn phòng treo bức tranh Thành Cát Tư Hãn.
Thảo nguyên muôn hồng, ngàn tía
Niềm háo hức của chúng tôi, kể cả người đã nhiều năm công tác tại Mông Cổ, hay người mới đến Mông Cổ lần đầu, đều sắp xếp dành nhiều thời gian đi về các vùng thảo nguyên vào tháng đầu mùa đông. Người dân sống ở đô thị, phần lớn có nguồn gốc từ nông thôn. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều gia đình náo nức tổ chức trở về quê nội, quê ngoại.
Các gia đình và các nhóm thanh niên, các nhóm sinh viên “phượt” bằng ô tô từ thành phố về các vùng thảo nguyên. Mọi người gọi là về “nông thôn”!
Cùng dòng người “phượt”, chúng tôi dùng chiếc ô tô 7 chỗ ngồi, cao gầm, công suất lớn của một cơ quan thuộc Chính phủ, đi về vùng thảo nguyên phía Bắc nước Mông Cổ. Vùng thảo nguyên này giáp biên giới Liên bang Nga, cách Thủ đô Ulanbato 350km.
Vừa ra khỏi trung tâm Thủ đô, trước mắt chúng tôi đã hiện ra bát ngát thảo nguyên. Mặt đất bằng phẳng, bốn phía đều nhìn tới chân trời, tưởng như chúng tôi đang ở giữa đại dương xanh. Quả thật, ai cũng cảm tưởng ô tô chở mình đang phóng trên mặt đại dương. Chỉ có khác không phải ô tô đang rẽ nước đại dương lớp lớp sóng bạc đầu, mà thực sự ô tô đang phóng với tốc độ 100km/giờ rẽ gió giữa thảm xanh mênh mông – Đó là đại dương thảm thực vật lặng sóng. Thỉnh thoảng trên thảo nguyên bằng phẳng, mặt đất lại gợn lên những dãy đồi gối nhau lớp lớp nhấp nhô. Đó là những làn sóng đất khổng lồ dâng lên, dâng cao lên như đến tận ngưỡng cửa bầu trời.
Dõi hết tầm mắt ra thảo nguyên. Thảo nguyên rộng dài quá sức tưởng tượng. Sự rộng dài gấp ngàn lần tầm mắt, nên chỉ thấy mặt đất bát ngát,huyền ảo. Với trí tưởng tượng của trẻ em mê đọc truyện cổ tích, chắc chắn, lần đầu trước khung cảnh ấy sẽ có người đưa mắt nhìn lên những dãy đồi đang gối lớp lớp những con sóng đất và nghĩ đến hàng trăm thành phố xanh hiện đại. Đó là những cung điện thần tiên trên Trái Đất này!
Con đường từ thành phố đi trên thảo nguyên được trải nhựa phẳng phiu. Ô tô chạy tốc độ trên, dưới 100km/giờ. Trên đường rất ít phương tiện tham gia giao thông. Thỉnh thoảng mới gặp một chiếc xe ô tô đi ngược chiều. Từ xa, lái xe hai bên phát hiện xe của nhau, họ đều cho xe chạy chậm lại, giơ tay chào. Cách chào hỏi thân tình giống với các thủy thủ trên những con tàu đánh cá Việt Nam mỗi khi gặp bạn trên biển Đông mênh mông sóng nước.
Dọc hai bên quốc lộ, thảm thực vật bồng bềnh huyền ảo. Nhìn qua cửa kính ô tô, có lúc mắt gặp thảm thực vật mênh mang phơn phớt hồng. Lát sau, màu hồng phớt ấy đã chuyển sang màu tím ngan ngát. Thoắt cái, không gian trước mặt đã chuyển sang màu xanh biêng biếc.
Trước sắc màu thảo nguyên muôn hồng ngàn tía, chúng tôi cho xe ô tô rẽ khỏi quốc lộ, băng vào khu vực bãi chăn thả gia súc. Chúng tôi chọn nơi dừng xe để nghỉ trên một sườn đồi thoai thoải. Sóng đất nhấp nhô, lâng lâng trong nắng vàng. Cửa xe ô tô vừa mở, bỗng nhiên tất cả mọi người đều ngây ngất hương thơm dịu ngát từ bên ngoài ùa vào trong xe. Bước ra khỏi xe ô tô, hương thơm của cỏ, cây hoang dại nồng nàn, đầy ắp cả không gian. Hương thơm quyện vào gió, vào mây. Tôi cởi tấm áo khoác gói hương thơm thảo nguyên để lấy may mắn. Mọi người thấy sáng kiến của tôi hay hay và ngộ nghĩnh, ai cũng cởi áo khoác gói lấy hương thơm của thiên nhiên thảo nguyên ủ vào trong áo của mình. Tôi nằm xoài lên mặt đất, cúi sát mặt đất, soi kỹ vào từng nhánh cây, thớ đất. Tôi tự hỏi vì sao thảm thực vật trên thảo nguyên lại mượt mà, lúc nhìn gần thì là mầu xanh biêng biếc, lúc nhìn ra xa lại hóa ra muôn hồng, ngàn tía?
Ngón tay tôi lật từng gốc cây, từng ngọn lá nhỏ, từng cái nụ, từng cánh hoa lấm tấm. Các loại cây chỉ cao vài cm. Ồ! Tôi phát hiện thảm thực vật trên mặt đất chỉ lưa thưa vài cây cỏ. Cây cỏ chen với muôn loài cây khác. Có loài cây tựa như cây cúc tần. Có loài cây tựa như loài cây cúc mốc. Có loài cây tựa loài cây ngải cứu. Có loài cây lá xanh lục. Có loài cây lá đỏ… Cây chen lá, lá chen hoa của muôn loài hoa dại. Có loài cây, hoa lấm tấm vàng. Có loài cây, hoa lấm tấm cánh xanh biếc. Có loài cây lá đỏ tía, nhưng hoa màu đen như nhung… Nhìn quanh mình, thấy thảm thực vật muôn màu sắc chen nhau. Nhìn sang sườn đồi phía trước thấy bát ngát màu tím. Chúng tôi bèn đi tới sườn đồi phía trước. Ồ! Sườn đồi nơi đây chỉ rặt một loài cây dại thân màu tím, hoa cùng màu tím với cây.
Trên chặng đường xa thăm thẳm trên thảo nguyên, tôi còn được chiêm ngưỡng cánh đồng hoang bát ngát chỉ có riêng loài cây dại hoa vàng như hoa cúc và sắc lá cũng vàng rười rượi… Màu sắc trên mặt đất biến đổi sắc màu hư ảo khiến ta như đang trong thế giới hư vô vậy!
Tôi hái những nhánh cây và hoa dại vo vo trong lòng bàn tay, rồi cho lên mũi hít hà. Hương thơm kỳ lạ của hoa lá quyện vào nhau phảng phất hương bạc hà, hương nhu, hương sả, hương ngải cứu, hương cúc tần… Theo thói quen, người ta thường gọi là đồng cỏ chăn cừu. Nhưng thảm thực vật trên thảo nguyên Mông Cổ thực ra không nhiều loại cỏ mà chủ yếu là các loài thực vật thân thảo mộc giống với những cây thuốc nam của Việt Nam. Tôi chỉ về phía thảo nguyên muôn sắc hồng, ngàn sắc tía trước mặt, nói với người bạn Mông Cổ của mình:
– Đồng cỏ chăn cừu của các bạn – thảo nguyên của Mông Cổ chủ yếu là những cây thuốc nam – với người Việt Nam chúng tôi thì phải gọi đó là những cánh đồng thuốc nam và cũng có thể gọi là cánh đồng thảo dược.
Bạn tôi tán thành:
– Tất cả thảo nguyên Mông Cổ đều bát ngát những loài thân thảo mộc hoang dại giống nhau. Vậy, từ nay, tôi sẽ gọi là cánh đồng thảo dược nhé!
Nhưng tôi gọi đó là thảo nguyên thảo dược. Từ hôm đó, tới vùng thảo nguyên nào của Mông Cổ, tôi cũng có thói quen cúi xuống sát mặt đất để quan sát thảm thảo dược, tranh thủ khám phá thêm điều gì đó ẩn chứa trong cây và mặt đất. Trong buổi sáng đầu đông tiết trời se lạnh, tôi đi dạo trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ. Tôi thích thú ngắm khoảnh đất xanh mướt rau gia vị, ớt chỉ thiên được nhân viên của Đại sứ quán trồng trọt, vun xới… Những quả ớt chỉ thiên chín đỏ như những giọt nắng nhiệt đới bên cạnh những cụm cây thảo dược của thảo nguyên. Những cây rau gia vị Việt Nam cùng những cây bản địa Mông Cổ đứng bên nhau trong vườn cùng ra hoa, kết trái. Thời gian cây đứng bên nhau trong thời gian ngắn ngủi, chỉ bằng một học kỳ của học sinh tiểu học. Bởi sau đó, mặt đất lại ngập trong băng tuyết trắng xóa. Chỉ bấy nhiêu thời gian đứng cạnh nhau cũng đủ cho cây lá của Việt Nam và Mông Cổ cùng hít thở, nhận sự dung dưỡng của đất trời và kết bạn với nhau!
Nhà văn Lê Toán, Uỷ viên BCH Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ