Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc phát triển công nghệ cao trong các doanh nghiệp cần được tập trung thúc đẩy.
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng của tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, đòi hỏi đặt ra những ưu tiên cần được tập trung hơn như: nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này vô cùng cấp thiết, nhất là trong điều kiện hạn chế về vốn và lao động như hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển công nghệ cao trong các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước cần được tập trung thúc đẩy. Theo đó, bao gồm sự phát triển, đổi mới quy trình sản xuất trong mỗi doanh nghiệp, sự tự chủ và nâng cao trình độ công nghệ để gia tăng hiệu quả sản xuất, tạo nên nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao; cùng với đó là tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cũng như nguyên vật liệu…
Thời gian qua, cùng với nhiều nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm tới đổi mới và phát triển công nghệ, tập trung đầu tư vào giải pháp và công cụ tăng năng lực cạnh tranh để mở rộng thị trường. Có thể nói rằng, doanh nghiệp muốn phát triển đều phải nghiên cứu để làm chủ và tạo ra công nghệ; đồng thời, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong quá trình hoạt động và sản xuất.
Ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc Gia (NIC) – đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam – cho biết, bất chấp những khó khăn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, Việt Nam đang trên đà hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế số với tỷ lệ chiếm 30% GDP vào năm 2030. Kể từ năm 2019, thời điểm đầu thành lập NIC, với mục tiêu hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước, trung tâm đã triển khai nhiều sáng kiến, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, tập trung vào việc tạo ra môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư trong nước, đồng thời thu hút nguồn vốn quốc tế. Việt Nam được coi là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hấp dẫn nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần vượt qua những thách thức nhất định để thực sự trở thành một trung tâm công nghệ mới của khu vực.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nghiên cứu về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó ghi nhận rằng, Việt Nam có nhiều thế mạnh để thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo trong nước. Cụ thể, trong những năm qua, kết quả phát triển kinh tế và tỷ lệ giảm nghèo đạt dấu mốc khá ấn tượng. Việt Nam nằm trong khu vực địa lý năng động nhất thế giới và có lực lượng lao động lớn, cơ cấu dân số thuận lợi. Hệ thống giáo dục ngày càng được tăng cường và thành tích giáo dục trung học tốt. Việt Nam cũng là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia do năng lực xuất khẩu của một số ngành tốt; đồng thời, có uy tín trong một số lĩnh vực như toán, nghiên cứu nông nghiệp và sinh học. Việt Nam còn có những tiến bộ trong việc hình thành và duy trì các cơ quan và thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo; nhất là những sáng kiến ở khu vực có lợi cho Việt Nam.
Tuy nhiên, hạn chế lại là năng suất lao động và mức thu nhập thấp, thiếu khuôn khổ pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo. Cơ sở hạ tầng, chất lượng hệ thống dạy và học yếu kém. Quan trọng hơn là doanh nghiệp ít sáng tạo, thậm chí thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển; trong khi, năng lực nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu Nhà nước chưa mạnh. Hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế do thiếu các phòng thí nghiệm và thiết bị nghiên cứu. Cơ sở thông tin phục vụ việc xây dựng chính sách đổi mới sáng tạo, thực hiện chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn yếu kém.
Việt Nam còn đang đứng trước những thách thức khác như, môi trường kinh tế vĩ mô không thuận lợi, kinh tế tăng trưởng đang có xu hướng chậm dần; tình trạng chảy máu chất xám gia tăng. Thêm nữa là không sẵn sàng cho cạnh tranh quốc tế và nguy cơ bẫy thu nhập trung bình đang hiển hiện.
Trước thực trạng này, các chuyên gia WB khuyến nghị, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thúc đẩy cải thiện khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công đối với hệ thống đổi mới sáng tạo, tăng cường nguồn vốn con người về đổi mới sáng tạo, tăng cường đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp và nâng cao tỷ trọng đóng góp của các cơ quan nghiên cứu Nhà nước; quan trọng không kém là thúc đẩy các mối liên kết đổi mới sáng tạo.
Từ thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành công nghệ thông tin – viễn thông chứng kiến sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành như Viettel, VNPT, FPT… đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng môi trường số tiên tiến và thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.
Việc phát triển hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng, khởi nghiệp công nghệ, đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và tạo ra giá trị trong ngành.