Tôi nhớ mãi hôm ấy là ngày 29/3/1971, anh em văn nghệ sĩ Đoàn Chèo Quảng Ninh đang tập luyện cho một chương trình biểu diễn ở huyện Cẩm Phả (nay là Vân Đồn) thì anh Tô Hải, Giám đốc Ty Văn hoá xuống triệu tập lại, đọc quyết định của UBND tỉnh về việc cử 9 nghệ sĩ, diễn viên trong Đoàn tham gia “Đoàn văn công xung kích công nhân mỏ Quảng Ninh” vào phục vụ bộ đội ta đang chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Vậy là tất cả khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị.
Gấp rút chuẩn bị
Đêm ấy, tôi không khỏi xốn xang trong lòng. Quyết tâm thì có thừa nhưng sức khoẻ thì khá đáng lo, làm sao để khi hành quân mình theo kịp anh em, không để ảnh hưởng đến đoàn. Tuy nhiên, nhìn sang 3 nữ nghệ sĩ cùng đoàn là Bích Hạnh, Thuý Hải và Minh Huệ (sau được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Minh Huệ), cả ba đều gầy yếu, con nhỏ nhưng tôi thấy họ tuyệt không có sự lo lắng nào. Vậy là chúng tôi cùng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngày 5/4/1971, đoàn chúng tôi tập trung tại Khách sạn Giao Tế (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long bây giờ). Tôi và Duy Lăng được phân công chuẩn bị kịch bản cho các tiết mục. Chúng tôi tìm được 4 tiết mục sân khấu rồi bắt tay vào dàn dựng, tập luyện. Mấy ngày sau, có thêm một số thành viên hạt nhân văn nghệ ở các ngành đến để tham gia đoàn, như Bảo Khánh (Bệnh viện tỉnh), Kim Chung (Sở Thương nghiệp), Quang Thọ (Mỏ than Cọc Sáu)…
Tối 28/4/1971, Đoàn tổng duyệt các tiết mục cũng là chúng tôi báo cáo các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và đã được đánh giá cao.
Đầu tháng 5/1971, đoàn biểu diễn 3 đêm liền ở rạp Hạ Long để giới thiệu chương trình và cũng báo cáo nhân dân thị xã Hồng Gai rằng tỉnh có một đoàn văn công vào phục vụ bộ đội đang chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Sau đó, đại diện Bộ Văn hoá và Tổng cục Chính trị đã về duyệt các tiết mục và làm thủ tục nhận quân luôn. Các đồng chí nói đợt này, đoàn chúng tôi sẽ đi nhanh, đi sâu vào chiến trường.
Những kỷ niệm nhớ mãi
Nhớ lại những kỷ niệm chuyến đi, nói đến Trường Sơn là nói đến những trận mưa rừng tưởng như không bao giờ ngớt. Ở trong này không như ngoài Bắc, mưa một ngày hai ngày, một tuần hai tuần là tạnh mà mưa ở Trường Sơn liên miên, ngày nọ qua ngày kia, tháng này qua tháng khác. Nói đến Trường Sơn là không quên nói đến những loại côn trùng bé tí như ruồi, muỗi, vắt.. cho đến những loại thú dữ to lớn khác như hổ, báo, trăn, rắn đều mang lại những nỗi tai vạ cho con người. Rồi chưa kể đến đủ các loại bom máy bay Mỹ ném xuống. Có kể ra những điều này mới thấy hết được cái mức ác liệt của chiến tranh và sự hy sinh gian khổ của các chiến sĩ ta ở Trường Sơn phải chịu đựng hết năm này sang năm khác cũng như hơn một năm trời mà đội văn công xung kích Vùng Mỏ chúng tôi đã phải trải qua.
Sáng mở mắt ra có khi chưa kịp ăn xong bữa cơm đã có lệnh hành quân. Ba lô người nào cũng đầy ắp nặng trĩu. Thúy Hải, Bích Hạnh, cả Kim Chung nữa dáng tiểu thư vậy mà ngày nào cũng phải vác nặng, mấy hôm đầu sưng tếu cả hai vai. Mưa là đường lại trơn như đổ mỡ, muỗi vắt lại nhiều, bắt không kịp, vắt chui vào tóc Sĩ Khu, vắt bám vào thắt lưng Đào Pha. Có hôm Quang Thọ thấy áo ngực mình ướt đẫm máu mới biết là vừa bị vắt cắn xong, có lần Minh Huệ rơi nắm cơm mà không dám nhặt vì nắm cơm vừa rơi xuống vắt đã bám đầy.
Ở Đội Trần Bường và Thúy Hải là hay bị vắt cắn nhất vì người thấp lại hay đi chậm. Một lát Bường đã kêu “Ôi vắt bám vào đầu mình máu tóe loe lên đây này”. Đằng kia Hải lại gào “các anh ơi vắt nó lại bám vào cổ em”. Có một lần hát hết bài hợp ca đầu, một chiến sỹ đứng trong chỉ vào Vân “Anh có con vắt bám vào cổ kia kìa”. Vân thò tay mới biết con vắt đã đỏ mọng như quả sim.
Rồi những hôm vượt sông vượt suối nữa chứ, những cái suối Trường Sơn mà tôi đã kể qua đó thật là tai quái. Thoắt cái đã đầy ắp và nước thì cứ đổ ào ào như thác, nhưng chẳng lẽ quay lại, chẳng lẽ chịu thua?… không! nhất định không quay lại, phía trước mặt, bờ bên kia là cả một đơn vị bộ đội đang chờ mình. Thế là anh em chúng tôi tìm đủ mọi cách vượt qua. Lúc thì quằng dây sang, chị em cứ bám chặt vào dây mà vượt, lúc thì ba bốn anh em kèm một chị, nom cứ như những tổ kiến càng. Hơn một năm ở Trường Sơn không biết chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu là hố bom, bao nhiêu là trọng điểm. Có hôm địch vừa đánh xong chúng tôi hành quân vượt qua ngay. Những hố bom sâu hoắm, khói lên nghi ngút khét lẹt. Lại có hôm chúng tôi vừa qua được mấy bước thì bom dội ngay đằng sau, đất đá cành cây bay túi bụi, bắn cả vào người, vào mặt đau điếng. Khổ nhất trong các buổi hành quân là những hôm chị em đến tháng, chỉ cần nhìn nét mặt đổi khác cũng đã biết cái bứt rứt, khó chịu và mệt nhọc của chị em ra sao rồi.
Ở ngoài Bắc dù buổi biểu diễn nào khẩn trương đến đâu, vất vả đến mấy thì việc ăn ngủ của chúng tôi vẫn giữ được bình thường, nhưng ở trong này thì bị đảo lộn hết. Có khi ăn cơm chưa xong là biểu diễn hoặc hành quân ngay. Còn thường những buổi hành quân phải đến tối mịt mới tới nơi và mới được ăn cơm chiều. Có lần cả ngày mới được một bữa cơm. Gạo trong này thì nhiều ăn đến no, lại không phải độn mì, độn ngô gì cả (ưu tiên chiến trường mà) nhưng thức ăn thì thất thường và hiếm, một tàu rau diếp, vài cọng muống luộc cũng trở thành niềm khao khát của chúng tôi.
Có một lần cả đội tổ chức đi câu, câu cả buổi sáng mới được 7 con cá. Những con cá to bằng hoặc nhỉnh hơn ngón tay, suối sông thì nhiều nhưng cá thì ít, vì các chiến sỹ ta hay tìm bắt và cái chính là cá chết nhiều vì bom đạn Mỹ. Được 7 con cá chúng tôi mới phân công người nấu thành một nồi canh riêu (nấu với lá bứa), và đến bữa phải mang chia đều cho từng người từng muôi một thật đều cho 16 người, chuyện đó thật ít người hình dung được. Trên đường hành quân chị em là người hay để ý tìm kiếm cái ăn nhất. Hôm thì một mớ rau tàu bay, hôm thì mấy đọn măng, hoặc nắm lá sắn. Những bữa như vậy không khí thật là vui, nấu nướng xì xụp, cơm ăn được nhiều mà cái mệt mỏi cũng mau chóng tiêu tan.
Càng khó khăn gian khổ, càng thiếu thốn bao nhiêu thì phẩm chất lòng quyết tâm của anh chị em chúng tôi lại càng được bộc lộ bấy nhiêu. Quyết tâm của đội là dù khó khăn gian khổ đến đâu, dù thiếu thốn trở ngại thế nào thì chúng tôi vẫn cứ bám sát bộ đội mà phục vụ. Có đơn vị chỉ dăm ba người đóng tít mãi trong rừng sâu, cách chỗ chúng tôi phục vụ hai ba ngày đường. Mặc dầu không phải là hướng chính của đội, nhưng khi biết đơn vị đó rất khao khát được thưởng thức văn công biểu diễn, đã cử người ra đón chúng tôi. Ngay lập tức đội điện về Bộ Tư lệnh xin được về phục vụ ngay nơi đó. Có khi cả đội dừng lại biểu diễn cho một đồng chí gác barie xem. Lại có lần chỉ một lời nuối tiếc của một chiến sỹ qua đường: Anh ấy thốt lên “Mình thật là đen, văn công đi vào mình lại đi ra, thế là không được xem rồi, tiếc quá”. Ngay lập tức Thu Chung đằm thắm nói ngay: “Vậy! chị em chúng em sẽ hát ngay tại đây cho anh nghe”. Khi bài hát cất lên, người chiến sỹ vừa ngạc nhiên vừa xúc động, không ngăn nổi mấy giọt nước mắt ứa trào.
Một đơn vị đã nhận lệnh hành quân vào mặt trận phía trong, nhưng được tin có văn công, đơn vị đó đã xin và được phép ở lại một ngày để đón và xem văn công. Hôm đó trời mưa như trút nước, chúng tôi vẫn khẩn trương hành quân, đã vượt được hết con suối này đến con suối khác, nhưng cuối cùng đến một khúc sông thì tất cả phải đứng sững lại. Bấy giờ đã là 4 giờ chiều, bụng người nào người đấy đói meo. Nhìn dòng sông rộng, nước chảy xiết, anh em chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.
Bằng mọi cách phải vượt qua thôi! Hồng Vân, Quang Thọ, Nhật Minh cởi phăng quần áo nhảy xuống sông dò mực nước. Tất cả thống nhất trải áo mưa ra, bỏ hết quần áo, đạo cụ, nhạc cụ vào rồi buộc túm thật chặt, nam giới qua trước, mang theo túi đồ, sau đó quay lại cứ ba đồng chí nam kèm một nữ dìu nhau qua. Chập tối thì đến được đơn vị, đồng chí chỉ huy trưởng xúc động cứ nắm tay từng người trong đội cảm ơn. Đêm hôm ấy chúng tôi tổ chức biểu diễn ngay. Chương trình không thiếu một tiết mục nào. Sáng hôm sau, khi con chim rừng chưa cất tiếng hót, chúng tôi đã phải chia tay đơn vị, tiếp tục hành quân.
Lại có lần chúng tôi đến phục vụ một đơn vị mà họ cũng vừa dọn đến, các chiến sỹ mắc tăng võng nằm rải rác quanh dưới tán lá rừng. Nhìn thấy chúng tôi, nhiều đồng chí hét lên “A! văn công, văn công đến rồi các cậu ơi!”. Rồi họ xúm lại quanh chúng tôi. Đồng chí chỉ huy thì tỏ vẻ ái ngại: “Thú thật với các đồng chí, hiện nay đơn vị chưa làm được nhà, thức ăn cũng vừa hết”. “Đừng ngại, các anh ạ! Các anh coi chúng em như người nhà thôi, có muối ta ăn muối” – Kim Chung vừa cười vừa nói. Thế là, tất cả đội cùng với các chiến sỹ xắn tay vào làm lán, cũng chỉ đủ diện tích cho chỗ diễn. Còn các chiến sỹ thì khoác áo đứng giữa mưa xem. Mưa to, nước mưa tràn cả vào “sân khấu”. Trong nháy mắt “sân khấu” trở thành ruộng ngập nước. Bích Hạnh mấy lần bị trượt ngã, Kim Chung dép lún xuống bùn, hát xong một tay xắn quần, một tay kéo dép dưới bùn lên. Chúng tôi vẫn hát rất say sưa, khán giả vẫn mê mải, nhiệt tình cổ vũ.
Cảm động nhất là các buổi biểu diễn cho các chiến sỹ thương bệnh binh xem. Chúng tôi thường đến từng giường bệnh để hát. Bài hát nào cũng được các đồng chí yêu cầu hát đi hát lại, không những thế còn yêu cầu hát thêm nữa. Có đồng chí bị thương mất một tay, một chân khi hoan hô thì một tay lành vỗ vào đùi còn lại. Có đồng chí bị thương, mắt không thể nhìn thấy nữa nhưng gương mặt vẫn tươi lên dõi theo từng lời của bài hát. Một buổi biểu diễn thành công có nhiều yếu tố, đó là phải có ánh sáng tốt, loa máy chuẩn, sàn diễn rộng… nhưng những thứ đó ở trong này đều bị gạt bỏ hết. Họa hoằn lắm mới được diễn trong hội trường, có sân khấu với mấy ngọn đèn 60W, phần lớn phòng họp còn hầu hết là diễn ban ngày. Sân khấu là một khoảng đất trống giữa rừng cây, trên đỉnh đồi hoặc một bãi đất bên bờ suối. Có khi diễn ngay dưới hầm, người xem ngồi xung quanh, nhân vật va cả vào đầu khán giả. Ngoài giờ hành quân và biểu diễn, thời gian rảnh rỗi chúng tôi lại tìm đến từng chỗ ở của các chiến sỹ để trò chuyện, tâm sự hoặc cùng nhau sửa sang lại các căn hầm, dựng thêm cái lán ở, còn các cô gái thì khâu vá giúp các anh chiến sỹ hoặc xuống bếp giúp các anh nuôi.
Anh em chúng tôi thường nhắc nhở nhau, đến với chiến trường, đến với các chiến sỹ phải đem hết nhiệt tình, phải thật hòa mình gần gũi. Nhưng những tiết mục của mình cũng phải thường xuyên được nâng cao lên, để cho các chiến sỹ không những yêu mến mình ở ngoài đời mà còn yêu mến mình ngay trên sân khấu nữa. Vì dù sao mình cũng là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, thay mặt cho tiếng nói nghệ thuật của cả tỉnh công nghiệp Quảng Ninh.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khi xem các tiết mục của Đoàn đã khen: “Giới thiệu tốt, phong phú, luôn có cái mới, không chỉ là trang phục mà là ở phong cách, vừa súc tích vừa thoải mái sinh động, mở đầu và kết thúc như vậy là đạt và hài hòa, kết thúc có lắng đọng, Kim Chung hát nhiệt tình, say sưa. Quang Thọ cô đọng tốt, tình cảm. Minh Huệ ngâm thơ trong trẻo nội tâm. Độc tấu nói của Tất Thọ tự nhiên, hấp dẫn”.
Trường Sơn thật là nhiều gian khổ thử thách nhưng không phải Trường Sơn không có những điều thú vị, những điều mới lạ và hấp dẫn. Một mỏm đồi cao ngất, màu cây xanh biếc, làn mây trắng quấn quanh như dải lụa. Nhiều hôm mây sà xuống chân đồi, phủ lên dòng suối, lan khắp mặt đường, quẩn quanh chân. Có những khu rừng săng lẻ rất đẹp. Chúng tôi đã đi qua những khu rừng trúc, rồi những rừng tre, rừng nứa bạt ngàn. Ở Trường Sơn có những con suối lại là đường ô tô chạy làm cho máy bay Mỹ chịu chết không tài nào phát hiện ra. Có lần vừa qua một dốc núi cao, gặp một cửa rừng, gió mát quá, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi dừng lại, người nào cũng bỏ mũ ra mà đón lấy cơn gió, có tiếng ai phía sau “Ôi! Sao mà nhớ Cửa Lò, nhớ Mỏ đến thế”, tôi quay lại thì ra là Quang Thọ. Cũng chả riêng gì Quang Thọ mà ngay cả Kim Chung, Thu Chung, Sỹ Khu, Bích Hạnh… tất cả đều nói lên điều đó, những lúc như vậy chúng tôi thấy nhớ đất Mỏ, nhớ Hạ Long vô cùng.
Trường Sơn nhiều cái đẹp, cái thú vị, cái nên thơ. Nhưng đẹp nhất, hấp dẫn nhất, nên thơ, nên nhạc nhất, quý giá nhất vẫn là những con người của Trường Sơn. Mưa gió vậy, đèo cao dốc thẳm vậy, muỗi vắt vậy, bom đạn vậy mà có ai nao núng, có ai chùn bước đâu. Những con đường của ta vẫn mở, xe ta vẫn đầy ắp hàng chạy thẳng vào trong. Một Chính ủy đơn vị đã nói “Ở trong rừng có bao nhiêu cây thì có bấy nhiêu hàng hóa. Rừng có bao nhiêu lá là có bấy nhiêu quân”. Đi đến đâu chúng tôi cũng gặp những tập thể anh hùng, con người anh hùng, họ là những con người dũng cảm, ngoan cường, lập nên bao chiến công hiển hách, nhưng cuộc sống của họ thì lại thật bình dị và lúc nào cũng rất sôi nổi và vui tươi.
Cảm động nhất là khi gặp đồng hương Quảng Ninh, hầu hết anh em ở miền Đông mấy năm xa quê hương nay gặp được nhau mừng vui không kể xiết. Một đơn vị công binh toàn là người Quảng Ninh, hễ ở đâu khó là lại điều tới ngay. Nhiều đồng chí trưởng thành đưa đi làm hạt nhân cho các đơn vị khác. Đồng chí Hợp ở Đầm Hà mấy năm liền là chiến sỹ thi đua. Đồng chí Phấn ở Ba Chẽ là một trong 8 người bị bom vùi nhưng được cứu sống, đồng chí là chiến sỹ quyết thắng. Trên một cao điểm, địch đánh rất dữ dội, một số anh em bị đất đá vùi, trạm barie bị bật tung, hầm cũng sập, đồng chí Gọn (quê Bình Liêu) đã xung phong đứng canh chừng quả bom nổ chậm để điều hướng xe. Có nhiều chiến sỹ ở Hòn Gai, Cẩm Phả khi xem xong buổi biểu diễn liền nhảy lên ôm chầm lấy chúng tôi mà khóc “các anh làm cho bọn em xúc động quá”. Những khi như thế, chúng tôi cùng nhớ mỏ, nhớ tầng than, nhớ phố thị, nhớ mùa dâu da đến cồn cào.
Anh Đệ quê ở Đông Triều, nghe tin có văn công về phục vụ đơn vị, anh được phân phối 1 gói chè Thanh Hương, cách đấy đã 2 tháng, vậy mà anh vẫn gói kỹ và giữ cẩn thận chờ cho đội đến mới giở ra tiếp chúng tôi. Anh cho biết 6 năm nay anh chưa về thăm nhà, không biết quê hương thay đổi đến đâu “được gặp đoàn tôi cảm động quá”. Mấy hôm đó anh săn sóc chúng tôi như một người anh cả săn sóc đàn em.
Hơn 1 năm trời vượt Trường Sơn, không biết chúng tôi đã trèo qua bao cái dốc, lội qua bao suối sâu, băng qua bao cánh rừng, vượt qua bao trọng điểm. Chỉ biết rằng, chúng tôi đã đến được rất nhiều đơn vị bộ đội, gặp rất nhiều con người dũng cảm phi thường. Kết thúc chuyến đi, Đội văn công xung kích công nhân mỏ Quảng Ninh vẫn an toàn, đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng II, nhiều huân, huy chương cho các cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đến nay một nửa các anh chị em trong đội đã trở về với cát bụi. Riêng tôi, chất độc dioxin vẫn hành hạ hằng ngày. Nhưng mỗi lần tôi nghĩ tới Trường Sơn là biết bao nỗi nhớ lại ùa về với đầy ắp niềm vui và nỗi tự hào. Vì những ngày tháng đó là quãng thời gian mà tôi thấy mình đáng sống nhất.