Từ đầu tháng Chạp, nhiều gốc đào phai đã chớm nở trên huyện đảo Vân Đồn – thương cảng cổ nhất, lớn nhất của nước Đại Việt và nổi tiếng thịnh vượng suốt 3 triều đại nhà Lý, Trần và hậu Lê. Trong không khí Tết đến xuân về, Vân Đồn đang thay đổi và phát triển bằng một sức mạnh nội lực to lớn để trở thành khu kinh tế biển đẳng cấp.
Từ thương cảng xưa
Thương cảng Vân Đồn từng là trung tâm giao thương lớn và quan trọng của Việt Nam tồn tại từ giữa thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII. Vào thời Trần, Vân Đồn thực sự phát triển mạnh mẽ, trở thành thương cảng lớn và có vị trí quan trọng nhất của nước Đại Việt. Theo ghi chép của lịch sử, Vân Đồn nổi danh là thương cảng sầm uất, thịnh vượng bậc nhất khu vực Đông Nam Á trong chiều dài suốt 7 thế kỷ với sự tham gia của các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan…
Do có vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng vào bậc nhất của nước Đại Việt, nên Vân Đồn đã trở thành thương cảng quốc tế có khả năng kết nối đường vận tải biển quốc tế giữa Bắc Á với Nam Á, Ấn Độ và Địa Trung Hải. Vân Đồn vừa là một điểm đến, vừa là trung tâm luân chuyển hàng hóa quan trọng của hệ thống giao thương Đông Nam Á, đã được ghi chép trong các nguồn tư liệu lịch sử của Việt Nam và quốc tế.
Với địa hình là quần đảo chủ yếu là các đảo nhỏ, núi đá vôi, nên diện tích tự nhiên chủ yếu là mặt biển. Từ xa xưa, đây đã trở thành nơi trú ngụ của tàu thuyền và lâu dần đã trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi tập trung thuyền bè các nước buôn bán và cư trú, nên vấn đề quản lý an ninh chính trị được hết sức chú trọng. Công việc trấn giữ, quản lý vùng Vân Đồn và miền Đông Bắc thường được giao cho các thân vương, đại thần trọng chức. Những ghi ghép của lịch sử cho thấy, từ xa xưa nhà nước Đại Việt và người dân bản địa đã biết khai thác, phát huy được thế mạnh của vùng biển Vân Đồn, mở ra thời kỳ phát triển kinh tế bằng đường biển rất tiềm năng. Các hoạt động giao lưu hàng hóa trong nước, quốc tế đã biến vùng biển đảo này thành khu dân cư đông đúc, trù phú, tạo đà cho kinh tế đất nước phát triển, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của cư dân nước Việt.
Đến khu kinh tế biển đẳng cấp
Trải qua thăng trầm lịch sử, Vân Đồn ngày nay vẫn được nhắc đến là một trong những vùng biển giàu tiềm năng bậc nhất Việt Nam. Để hiện thực khát vọng đưa Vân Đồn vươn mình, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh xác định hệ thống cơ sở hạ tầng chính là một trong những lợi thế cạnh tranh chủ chốt.
Một trong những điểm nhấn đầu tiên trên bản đồ giao thông địa phương phải kể tới là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, nối Vân Đồn với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn của cả nước. Vân Đồn hiện sở hữu hệ thống giao thông đường bộ hiện đại với tuyến đường cao tốc, đường bao biển dài với nhiều cảng du thuyền, cảng tàu khách… Mới nhất, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài trên 80km, quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h được đưa vào khai thác từ tháng 9/2022; được xem là mảnh ghép hoàn chỉnh trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh, gồm Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái dài gần 200km, đóng vai trò là trục kết nối hai chiều giữa Vân Đồn với tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tạo tiền đề phát triển bứt phá cho địa phương.
Tận dụng thế mạnh vị trí và kinh nghiệm trong xây dựng thương cảng cổ của thế hệ trước, Vân Đồn hiện sở hữu các bến cảng hiện đại: Cảng tàu khách Cái Rồng, Cảng tàu khách quốc tế Vân Đồn tại Khu đô thị Ao Tiên, đưa khách tham quan Vịnh Bái Tử Long và ra các tuyến đảo của huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô.
Với vai trò đi trước, mở đường, những “mạch máu” giao thông quan trọng này giúp thúc đẩy phát triển liên kết vùng, liên kết quốc tế và đánh thức tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, thương mại của Vân Đồn. Đến nay KKT Vân Đồn thu hút được 64 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký gần 63.000 tỷ đồng. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, KKT Vân Đồn thu hút thêm trên 37.400 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, tương đương 146,6% tổng số vốn đã thu hút giai đoạn trước.
Những năm qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã về Vân Đồn kéo theo những dự án, công trình tầm cỡ, là bước đệm quan trọng trong tiến trình đưa Vân Đồn trở thành trung tâm công nghiệp giải trí, mang đến hình thái mới cho ngành du lịch khu vực và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng để thu hút du khách, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 2,5 triệu lượt du khách đến khu kinh tế Vân Đồn mỗi năm.
Một Vân Đồn với tiềm năng, giá trị khác biệt và các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời đang phấn đấu trở thành động lực kinh tế của Việt Nam, thành phố đáng sống với biểu tượng của thành phố xanh – tri thức, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á Thái Bình Dương.