Thời điểm này, hầu hết các điểm văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện Vân Đồn đã cơ bản hoàn thành công tác chỉnh trang khuôn viên, đảm bảo các điều kiện đón tiếp và phục vụ du khách.
Để đáp ứng việc phục vụ lượng du khách tăng đột biến tại các điểm đến di tích tâm linh, Vân Đồn đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội; có phương án ứng phó với tình huống phát sinh, nhất là những vấn đề về ùn tắc giao thông, phòng chống dịch bệnh, cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nơi thờ tự.
Chùa Cái Bầu là một trong những điểm đến tâm linh hấp dẫn của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Hằng năm, vào dịp đầu xuân năm mới, mỗi ngày chùa có tới hàng trăm lượt người dân và du khách thập phương đến đây dâng hương, vãng cảnh. Chùa cũng đã sẵn sàng các điều kiện để đón và phục vụ nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cụ thể, Chùa bổ sung hệ thống bảng biển chỉ dẫn, biển tuyên truyền vệ sinh môi trường, chỉnh trang khu vực trông giữ xe, củng cố hệ thống PCCC… Tại các khu vực có đông du khách qua lại đều được đặt biển chỉ dẫn, hướng dẫn khách đến thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Bà Phạm Thị Thuỷ, du khách đến từ Hải Phòng, chia sẻ: Tôi rất thích cảnh quan của Chùa Cái Bầu. Hằng năm vào dịp đầu xuân, gia đình tôi đều tới chùa vãng cảnh, cảm nhận bầu không khí yên tĩnh, thanh tịnh. Công tác tổ chức lễ hội rất quy củ.
Cùng tâm thế “đi trước” lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội đền Cặp Tiên chủ động triển khai kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội từ nhiều tháng trước, trong đó tập trung các giải pháp cho vấn đề an ninh, an toàn để du khách thuận lợi hành hương, vãng cảnh. Ông Nguyễn Đăng Kiếm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng, Phó Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên, cho biết: Lễ hội đền Cặp Tiên được tổ chức hằng năm như một hoạt động đặc biệt để báo ơn những vị anh hùng dân tộc, những người có công dẹp giặc, khai phát đất đai và thờ Mẫu, đồng thời cũng là dịp để nhân dân cầu khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, phát tài sai lộc, quốc thái dân an.
Để bảo đảm trật tự, Ban Quản lý di tích chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ du khách tới tham quan như bố trí điểm trông, đỗ xe rộng rãi, thuận tiện, thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan luôn sạch, đẹp, trang nghiêm. Cùng với đó, Ban cũng phân công cán bộ thường trực nhằm đón tiếp và hướng dẫn du khách về hành hương làm lễ và ghi nhận công đức của nhân dân đảm bảo khách quan, minh bạch. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch.
Đền thờ vua Lý Anh Tông là một trong những điểm nhấn văn hóa tâm linh của huyện Vân Đồn. Nằm ở vị trí đắc địa giữa vùng nước sơn thuỷ hữu tình, thuộc khu 9, thị trấn Cái Rồng. Từ 25 tháng Chạp, công tác trang trí ngày Tết được triển khai như trang trí khánh tiết, trồng hoa, cây cảnh tạo điểm nhấn cho di tích; tăng cường các điều kiện về PCCC. Trước đó, địa phương cũng ra quân tổng vệ sinh môi trường các khu dân cư trên địa bàn; vệ sinh tuyến đường đi vào Khu di tích và nơi diễn ra hoạt động của Lễ hội đảm bảo xanh – sạch – đẹp, sẵn sàng đón du khách, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch tâm linh.
Có thể thấy, du lịch văn hóa tâm linh trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Vân Đồn ngày càng được chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, góp phần để mỗi chuyến du xuân, dâng hương, vãng cảnh của nhân dân và du khách trở nên trọn vẹn, vui tươi, ý nghĩa hơn trong dịp Xuân Giáp Thìn 2024 này.