Sung sức trong sáng tác và tích cực tham gia các diễn đàn văn chương cả trong nước và nước ngoài, nhà thơ Trần Nhuận Minh, người từng đoạt rất nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về thơ vào năm 2007, cũng rất có duyên với các báo, tạp chí quốc tế. Nhân dịp xuân mới Giáp Thìn 2024, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, đã có cuộc phỏng vấn nhà thơ về một số vấn đề văn chương hiện nay.
– Thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh, ông có thể “bật mí” đôi chút với bạn đọc về những sáng tác văn chương của ông trong những năm gần đây như thế nào không?
+ Sau khi được xuất bản và phát hành tập thơ “Biết gửi cho ai?” vào năm 2018, tôi đã nghĩ là mình nên ngừng cho xuất bản tác phẩm, nếu thơ mình không mang đến được điều gì mới hơn cho bạn đọc. Cũng năm đó, Đài Loan xuất bản và phát hành Tuyển tập thơ “Đi ngang thế gian” của tôi, bài lấy tên tập là bài cuối cùng của “Bản Xônat hoang dã”, giải thưởng Hội Nhà văn năm 2003, Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Sau đó, tập thơ này được đưa vào dạy và học ở Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Đài Loan. Tôi được phía bạn mời sang 15 ngày, dự các cuộc hội thảo về thơ mình, tiếp xúc với nhiều nhà trí thức lớn và bạn đọc tinh hoa.
Điều đó động viên tôi rất lớn và tôi lại cầm bút. Hình như, đây mới là thời kì chín nhất của thơ tôi và năm 2023 là năm tôi có nhiều niềm vui nhất. Thơ viết và được đăng chùm nhiều bài trên báo và tạp chí, từ đó được dịch và xuất bản luôn ở nước ngoài. Năm 2023, chưa kể tôi nhận Giải thưởng Đào Tấn về Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, cho 3 tập sách nghiên cứu khoa học về văn hóa và lịch sử, chỉ tính riêng về thơ, tập thơ “Bừng thức” của tôi (bài tên tập là bài mở đầu “Bản Xônat hoang dã”), Hội đồng dịch thuật châu Âu chọn và dịch ra tiếng Anh, sau đó cùng lúc dịch, xuất bản tiếp bằng tiếng Pháp (đây là tập thơ thứ 2, sau tập thứ nhất 107 bài tiếng Pháp in ở Paris năm 2020), tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Cả 4 tập đều được trưng bày tại Hội chợ xuất bản quốc tế tại Frankfurt, Liên bang Đức, tháng 10/2023.
Nhờ thế, thơ tôi được biết đến rộng rãi ở nhiều nước. Vài ba tháng sau, 6 nước khác nhau cùng dịch và xuất bản thơ tôi, trong đó có Ailen, quê hương thứ 20 của thơ tôi ở nước ngoài. Trong đà đó, năm 2023, tôi cũng được xuất bản 2 tập thơ ở trong nước là “Đi trên quê hương Gớt” và “Con người và cõi thế”. Tôi cũng đã biên soạn xong tập thơ thứ 37 của mình là “Sao em đi một mình” sẽ xuất bản và phát hành quý I/2024, năm tôi bước vào tuổi 80.
|
|
|
|
4 tập thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh xuất bản tại Canada, được phát hành toàn cầu năm 2023, qua bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Ảnh do nhà thơ cung cấp. |
– Ông từng chia sẻ rằng, ông lấy nguồn cảm hứng cho sáng tác của mình từ những va đập lớn của thời cuộc. Những sáng tác gần đây của ông kể từ sau “Nhà thơ và hoa cỏ”, “Bản Xô nát hoang dã” và “45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh”… đi theo hướng nào, khi ông đã đi tới tận cùng của “cái thực” và “cái ảo” trong các sáng tác vừa kể?
+ Mỗi chúng ta có thể sống đến 100 tuổi. Nhưng mới chỉ 85 năm qua, tính từ năm 1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ đến nay, trên thế giới, những biến động gay gắt đã bằng cả 1.000 năm trước cộng lại. Những biến động đó tác động rất sâu sắc vào số phận của tất cả mọi người trên toàn cầu.
Trong tham luận đọc tại Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương năm 2012, tôi nói: “Các nhà thơ phải cất lên tiếng nói lương tri của mình, từ đó, từ bội số chung lớn nhất của nhân loại, hãy viết về Con Người, cho Con Người và vì Con Người”. Tôi đã đi theo hướng đó, trong tất cả 62 tác phẩm đã xuất bản của tôi ở trong nước và ở nước ngoài. Riêng thơ là 36 tập, tập thơ thứ 36 này xuất bản năm 2023 tại Hoa Kì. Đấy chính là sự “bừng thức” của chủ nghĩa nhân văn thế kỉ thứ XX và XXI mà tôi cảm nhận được, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thơ tôi có thể đi tiếp đến tận cùng cái thực và cái ảo trong bút pháp nghệ thuật của thơ mình.
– Giữa cái cũ và mới, giữa việc duy trì những phương thức truyền thống và tiếp cận những công nghệ thông tin hiện đại hôm nay, liệu có ảnh hưởng gì tới cảm nhận thơ của ông không? Ông thấy mình có cần đổi mới không, cả về con người cũng như trong sáng tạo văn chương?
+ Thơ tôi vẫn phải tiếp tục đổi mới, để phù hợp hơn với hiện thực của đất nước đang phát triển. Tôi đã vài lần nói rằng: Công cuộc đổi mới từ năm 1986 là một cuộc Cách mạng vĩ đại, vì nó giải phóng con người, sau cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 giải phóng đất nước. Không có cuộc cách mạng khai sáng đó không có thơ tôi ngày hôm nay. Sự tồn tại của thơ, bao giờ cũng đồng hành với sự đổi mới thơ, để thơ không lạc hậu với thời cuộc và để thơ đồng hành được với nhân dân.
Tôi cũng vài lần nói rằng: Nếu thơ không xuất phát từ truyền thống văn hoá của dân tộc, thì bất cứ đổi mới gì cuối cùng cũng đều thất bại hết. Tôi nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”… Và như thế, mạch nguồn của cha ông vẫn nối tiếp, bền bỉ, có khi đậm, có lúc nhạt nhưng không bao giờ đứt quãng, và ngày càng phát huy cao hơn, lớn hơn, tạo đủ các điều kiện tốt nhất, để giữ cho ta cái bản lĩnh, cái bản sắc, để từ đó hội nhập với thế giới.
– Ông là tác giả có thơ, văn được dịch ra tiếng nước ngoài rất nhiều và phát hành toàn cầu. Điều này với mỗi tác giả hẳn là điều rất tự hào rồi, nhưng căn nguyên để có tác phẩm được dịch nhiều như thế theo ông là do đâu?
+ Về văn xuôi, tập truyện vừa “Trước mùa mưa bão” tôi viết ở mỏ Cọc Sáu, về mỏ Cọc Sáu năm 1977, sau khi nhận giải nhất giải thưởng Văn học năm quốc tế thiếu nhi (1979), đến năm sau lại được chọn tặng giải A văn học thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn Việt Nam. Chính nhà văn Tô Hoài đã chấm và trực tiếp trao giải cho tôi. Sau đó, tác phẩm đã được dịch ra 7 thứ tiếng, phát hành ở 7 quốc gia, rồi lại được đưa vào sách giáo khoa phổ thông lớp 3 và lớp 4, hơn 20 năm.
Tiếp theo, tiểu thuyết “Hòn đảo phía chân trời” của tôi, được gợi ý từ thực tế vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn, vừa được giải nhì về tiểu thuyết viết về biên giới và hải đảo (1975-2020) của Hội Nhà văn Việt Nam, được đưa vào sách giáo khoa lớp 5 cũng đã hơn 20 năm nay. Còn thơ, đã được dịch ra 16 thứ tiếng ở 20 quốc gia, bản gốc chủ yếu vẫn từ 2 tập đã được Giải thưởng Nhà nước năm 2007 là “Nhà thơ và hoa cỏ” và “Bản Xônat hoang dã”.
Như vậy, việc được dịch và được đánh giá ở nước ngoài với ở trong nước là trùng khớp nhau, không có sự chênh vênh gì. Có điều, có bạn lưu ý, sao nhiều tập cũng được Giải thưởng Nhà nước mà không được phổ cập rộng rãi như thế? Giáo sư Tưởng Vi Văn, người đã dịch và giới thiệu thơ tôi ở Đài Loan nói: “Thơ Trần Nhuận Minh không có biên giới. Vấn đề trong thơ Trần Nhuận Minh cũng là vấn đề chung ở nhiều quốc gia. Vì thế, bất cứ nước nào dịch thơ Trần Nhuận Minh cũng dễ được chấp nhận”. Tôi nghĩ đó cũng là câu trả lời.
– Vẫn là câu chuyện dịch thuật, hơn nữa còn là dịch thơ, chúng tôi biết ông là người rất cẩn trọng, kỹ lưỡng về câu chữ, vậy có khi nào ông tìm hiểu giữa bản dịch và bản tiếng Việt sẽ khác biệt ra sao không? Liệu có đúng phong cách văn thơ Việt của tác giả hay không?
+ Hầu hết các trường hợp, tôi chỉ biết bản dịch sau khi đã ra sách. Có một điều làm tôi yên tâm là các bản dịch đó, lại được dịch tiếp sang ngôn ngữ khác, và lại được tiếp nhận và hoan nghênh ở ngôn ngữ tiếp theo. Thế nghĩa là các bản dịch đã thành công. Tôi không biết một chữ ngoại bẻ đôi nào, và cũng mới chỉ gặp được 3 trong số hơn 20 dịch giả nước ngoài đã dịch thơ tôi. Trao đổi với họ, họ muốn tôi hãy viết hay hơn nữa về nhân dân. Nhân dân còn thì thơ mình còn. Nhân dân yêu thì thơ mình sẽ bất tử. Họ bảo tôi thế.
– Khi các nhà báo, nhà thơ, dịch giả nước ngoài phỏng vấn ông, ông nhận thấy họ quan tâm tới điều gì nhất đối với các tác giả văn chương Việt?
+ Trong năm 2023, có phóng viên 4 tạp chí lớn phỏng vấn tôi. Ở Nga là tạp chí “Nhân đạo”, ở Tây Ban Nha là tạp chí “The Café Riview”, ở Hi Lạp là tạp chí “Polis”, ở Hoa Kì là tạp chí “Prodigy”. Điều họ quan tâm nhất thì tôi thấy rất rõ: Ấy là văn chương Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề có ý nghĩa toàn nhân loại. Nghĩa là “từ chân trời một người”, tác phẩm phải đến được với “chân trời của tất cả mọi người”, như nhà thơ lớn người Pháp A.Muýtxê đã nói từ thế kỉ trước.
– Được biết, ông và em trai là nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cải tạo căn nhà cũ của gia đình ở làng Điền Trì xưa (nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) thành không gian lưu niệm gắn với những sáng tác văn chương của hai anh em…
+ Tôi làm theo lời dạy bảo của thầy tôi là nhà thơ Huy Cận, từ khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Khoa gần với Xuân Diệu hơn, còn tôi lại gần với Huy Cận hơn. Dường như là sự lựa chọn tự nhiên. Tôi được tháp tùng Huy Cận vài lần, đáng nhớ nhất là thời gian khoảng 10 ngày, hai thầy trò ở chung một phòng tại Hà Tĩnh, quê hương cụ Nguyễn Du, cũng là quê hương ông.
Ông dặn tôi rất kỹ lưỡng, phải ghi nhớ, sưu tầm, giữ gìn và phục hồi lại những giá trị riêng của cả hai anh em. Dường như không có nhà nào có được cả hai anh em làm thơ, với mức độ thành công đến mức như vậy. Ở Anh, có một trường hợp như thế là chị em Brônti. Thơ ông đã xuất bản có câu: “Mừng Nhuận Minh, mừng Đăng Khoa/ Hai chàng thi sĩ một nhà, hiếm thay”. Ông bảo thơ Khoa rất độc đáo về cảm quan thiên nhiên, còn thơ Minh thì rất sâu sắc về “vận người”. Thậm chí, ông khuyên tôi nên phá ngôi nhà 5 gian, tường xây mái ngói đi, phục chế lại 3 gian nhà tranh nhỏ bé, vách trát bùn ao, mái lợp rạ, với cái giại đan bằng tre, một tay nhấc ra để đi vào nhà như lần đầu Xuân Diệu, Huy Cận về thăm nhà, khi Khoa mới 8 tuổi…
Ông nhiều lần về nhà tôi, lần nào gặp, ông cũng hỏi tôi việc đó làm đến đâu rồi. Tôi chỉ vâng dạ cho qua, cứ nghĩ chắc gì đã cần. Rồi ông mất. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Tranh thủ ý kiến của bạn ở Bảo tàng tỉnh Hải Dương, tôi nghĩ đã đến lúc mình phải làm theo lời thầy. Tôi đã lưu lại được một số sách báo đã xuất bản, nhất là xuất bản lần đầu, các bản thảo, thư từ và hiện vật. Đặc biệt có cả thư từ trao đổi của một số vị lãnh đạo cao cấp, các nhà thơ, nhà văn hóa lớn ở trong nước và nước ngoài với Khoa thuở nhỏ…
Tôi cũng đã trồng lại được cây dừa và giàn trầu, dựng lại gian bếp đúng kích cỡ xưa trên nền đất cũ. Còn cái chuồng lợn từ thời “góc sân và khoảng trời” của Khoa năm 1966 thì tôi quyết giữ nguyên, dù điều đó vấp phải sự phản đối của con cháu trong nhà, vì sát cạnh đó là ngôi nhà mới xây để anh em, con cháu và bạn bè văn chương xa gần về sum họp. Công trình làm xong, đã có một số nhà thơ, nhà báo, các thầy cô giáo và học trò đến thăm, đều tỏ ý rất có cảm tình…
– Bên thềm xuân mới, ông còn điều gì chia sẻ với bạn văn nói riêng, bạn đọc nói chung không?
+ Cuộc đời luôn có những điều làm ta phiền lòng. Nhưng cái tốt đẹp là rất phổ biến. Những người tốt ở quanh ta còn nhiều lắm. Có điều, đôi khi có sự cố mà lương tri cần phải lên tiếng, thì nhiều người tốt lại im lặng. Nhưng họ hiểu biết cả đấy. Hãy tin tưởng, bình tĩnh và không được nản lòng. Hãy vì những người tốt mà sống. Hãy vì tương lai cao đẹp của đất nước mà viết. Thời gian sẽ ủng hộ chúng ta!
– Xin kính chúc nhà thơ năm mới dồi dào sức khoẻ và trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!