Nhằm mục tiêu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, công tác trồng và bảo vệ rừng luôn được Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024 và trồng rừng vụ xuân. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vũ Duy Văn về nội dung này.
– Xin ông cho biết về mục tiêu trọng tâm đề ra trong công tác trồng rừng năm 2024 của Quảng Ninh?
+ Năm 2023, với sự nỗ lực và triển khai đồng bộ, phát huy sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị và người dân, công tác bảo vệ, trồng rừng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện tích trồng rừng tập trung trên toàn tỉnh đạt 13.612,87ha, bằng 116,9% kế hoạch tỉnh giao tại Quyết định số 3636/QĐ-UBND và bằng 110,5% chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng GRDP tại Kế hoạch số 07/KH-UBND. Toàn tỉnh trồng được 1.078,3ha lim, giổi, lát. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 944.588 cây (96.241 cây lim, giổi, lát); giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Với vai trò nòng cốt, ngành nông nghiệp luôn xác định trồng rừng triển khai thường xuyên gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh. Năm 2024, Sở NN&PTNT phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch của tỉnh đề ra là trồng rừng tập trung dự kiến 13.250ha (trồng 1.000ha lim, giổi, lát) và trồng 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng ổn định (55%) và nâng cao chất lượng rừng.
– Công tác chuẩn bị Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024 đến nay như thế nào, thưa ông?
+ Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND (ngày 26/1/2024) về việc tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 gắn với trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 17/KH-UBND (ngày 26/1/2024) về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 gắn với trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các địa phương sẽ đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây vào ngày 15/2 (ngày 6 tháng Giêng). Trong ngày tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh phấn đấu trồng tối thiểu 1 triệu cây tại rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn. Trong đó, tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng rừng bằng lim, giổi, lát; trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững để hoàn thành chỉ tiêu được giao cả năm 2024.
– Xin ông cho biết về những định hướng chiến lược để Quảng Ninh phát triển rừng bền vững trong thời gian tới?
+ Sở NN&PTNT sẽ bám sát quan điểm, chỉ đạo của Trung ương và điều kiện thực tiễn của tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn với phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Trong đó, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Trọng tâm là chuyển hướng từ khai thác rừng sang phát triển vốn rừng, trồng rừng tập trung, khoanh vùng bảo vệ, giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế; phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế dưới tán rừng dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng vùng; khuyến khích các mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, như: Vùng trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu; vùng trồng cây lâm đặc sản… theo Đề án phát triển bền vững một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2216/QĐ-UBND (ngày 3/8/2023).
Cùng với đó, xây dựng hệ thống vườn ươm ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản chuyên sâu, hiện đại; đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của miền Bắc; kết hợp giữa phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và bản sắc văn hoá dân tộc để tạo ra giá trị kinh tế cao nhất, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.
– Trân trọng cảm ơn ông!