Thời gian qua, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) được người dân tích cực áp dụng. Phương pháp này giúp giảm chi phí sản xuất cũng như lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, an toàn thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận trên đơn vị canh tác.
Những mùa vụ gần đây, nông dân phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên) tích cực triển khai mô hình IPM trên cây rau. Trước đây, nông dân trên địa bàn phường trong quá trình trồng rau có thói quen sử dụng thuốc BVTV phun cho rau mỗi khi có sâu bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc trừ sâu bệnh không phải ai cũng sử dụng đúng cách. Để diệt trừ sâu bệnh trên rau đạt hiệu quả, địa phương đã áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo chương trình IPM. Để giảm thiểu sâu hại đến mức thấp nhất, người trồng đã áp dụng tổng hợp các biện pháp: Trồng và chăm cây khoẻ; thăm đồng thường xuyên; nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng; phòng trừ dịch hại; bảo vệ thiên địch… nhằm tạo ra các sản phẩm rau an toàn cho con người và môi trường.
Thực hiện mô hình này đã góp phần giảm chi phí đầu tư, giảm lượng thuốc BVTV độc hại tồn dư trong nông sản, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, an toàn vệ sinh lương thực, thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường và nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao hơn. Bà Đặng Thị Dung, hộ trồng rau tại phường Cộng Hòa, cho biết: Mô hình IPM giúp bà con thay đổi cách làm trong sản xuất cây lúa theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe và môi trường sinh thái và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất, thu hoạch và chế biến sạch và bền vững.
Cùng với vùng trồng rau Cộng Hòa, chương trình IPM hiện đã được nhân rộng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, cấp tỉnh đã tổ chức 5 lớp huấn luyện IPM cho nông dân với 150 học viên tham gia (trên cây lúa 3 lớp, trên cây rau 1 lớp, trên cây na 1 lớp); xây dựng 8 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp với diện tích là 6,9ha; cấp huyện đã tổ chức 35 lớp huấn luyện IPM với 1.067 nông dân tham gia. Ngoài ra, mô hình IPM được lồng ghép thực hiện cùng với các chương trình khuyến nông và chương trình khác. Việc xây dựng các mô hình thực hành, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng (lúa, rau, cây ăn quả,…) theo các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt đã đem lại hiệu quả về kinh tế, đây là những mô hình điểm thu hút người dân học tập kinh nghiệm, làm cơ sở để tuyên truyền và nhân rộng chương trình quản lý dịch hại trong cộng đồng.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, Chương trình IPM đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, như: Giảm số lần phun thuốc trên cây trồng từ 1-2 lần so với diện tích không thực hiện chương trình IPM nên đã tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc (tiết kiệm tiền thuốc BVTV và công phun thuốc từ 90.000-180.000 đồng/sào/vụ, tương đương 2,4-4,9 triệu đồng/ha/vụ), đặc biệt việc khuyến khích sử dụng thuốc thảo mộc tự ủ trong sản xuất rau (gừng + tỏi + ớt + rượu) đã được người dân tích cực ủng hộ giúp tiết kiệm kinh phí, tạo ra sản phẩm an toàn và góp phần bảo vệ môi trường. Mặt khác, năng suất cây trồng tăng trung bình 5-10% so với diện tích không thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, lợi nhuận do áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp so với phương pháp canh tác truyền thống của người dân tăng đáng kể (áp dụng IPM trên lúa tăng lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/ha, áp dụng IPM trên rau tăng lợi nhuận khoảng 9,3 triệu đồng/ha).
Ngoài ra, áp dụng IPM còn giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái do việc giảm sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng. Chương trình IPM đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho nông dân. Năng suất trung bình của giống lúa ST25 tại một số địa phương như huyện Tiên Yên, Hải Hà, TP Uông Bí… đạt 55-60 tạ/ha. Sản phẩm gạo được đánh giá có chất lượng thơm ngon, giá bán cao hơn các sản phẩm thông thường từ 50-70%.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc đào tạo nguồn giảng viên chính đủ năng lực hướng dẫn nông dân hiểu và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng, nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Từng bước đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình IPM.