Các shop online lo không kịp giao hàng đúng cao điểm Tết do nhiều bên vận chuyển hiện đã đóng tuyến, không nhận thêm đơn.
“Shop còn 15 đơn đang ở kho của bên giao hàng trong trạng thái không rõ bao giờ có thể tới tay khách hàng”, Thùy Linh, chủ một shop online bán đồ thời trang ở Hà Nội cho biết.
Không riêng Linh, nhiều chủ shop online khác gần đây liên tục gặp khó khăn khi tìm kiếm đơn vị vận chuyển khiến hàng hóa ách tắc. Nguyên nhân theo phản ánh của họ là đa số các bên như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, J&T Express… đều báo quá tải, đóng một số tuyến, hoặc ngừng nhận đơn mới trong khi nhiều đơn cũ chưa được giao.
Một số chủ cửa hàng cũng phản ánh việc cập nhật trạng thái đơn hàng của các đơn vị vận chuyển không kịp thời, rõ ràng khiến họ căng thẳng, lo thất lạc hàng hóa. “Giao hàng trễ còn không sợ bằng mất hàng, hỏng hóc vì giá trị cao, có vấn đề là tổn thất sẽ rất nặng nề, coi như mất Tết”, một chủ shop tên Hòa chia sẻ.
Trước tình trạng trên, nhiều cửa hàng phải tìm đến các giải pháp khác. Từ đầu tuần, Hải Tú, chủ một shop online bán đồ trang sức, phải chạy khắp các bến xe tới bưu cục để gửi hàng cho khách.
Tương tự, chị Nam Nguyễn (Hà Nội) buộc chuyển gửi hàng sang đường hàng không, hoặc xe khách. “Có khách chấp nhận mức phí ship cao hơn, gấp đôi, gấp ba bình thường để kịp có đồ dùng dịp Tết. Nhưng cũng có nhiều đơn, shop phải chịu chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến lợi nhuận”, chị Nam nói.
Thậm chí, có những cửa hàng hiện phải thông báo ngừng gửi đơn đi một số tỉnh, thành dù còn một tuần nữa mới nghỉ Tết. Với các đơn nội thành, họ thường chọn vận chuyển bằng dịch vụ giao hàng của các ứng dụng gọi xe như Grab, Be. “Điều này ảnh hưởng nhiều tới kết quả kinh doanh của cửa hàng, nhất là sau một năm kinh tế ảm đạm, buôn bán ế ẩm”, anh Trần Quang Thái (Hà Nội) nói.
Không chỉ các chủ cơ sở kinh doanh, người mua cũng lo lắng khó nhận được hàng trước Tết do “nghẽn” vận chuyển.
Trước đó, giới kinh doanh online xôn xao trước thông tin nhiều nhân viên của đơn vị vận chuyển Giao hàng tiết kiệm đình công, là một trong số lý do khiến chuyển phát hàng bị chậm trễ.
Nói với VnExpress, đại diện Giao hàng tiết kiệm phủ nhận việc nhân viên đình công, nhưng xác nhận tình trạng quá tải vào dịp sát Tết, khi lượng hàng ngày cao điểm tăng 40-50% so với bình thường.
“Trong hai tuần giáp Tết, lượng hàng thương mại điện tử đưa vào mạng lưới tăng cao đột biến, ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Vì vậy, chúng tôi buộc phải ngừng nhận đơn ở một số khu vực để xử lý các đơn còn tồn, kịp giao cho khách”, đại diện Giao hàng tiết kiệm nói.
Không thông tin còn tồn bao nhiêu đơn hàng, nhưng đơn vị vận chuyển này cam kết sẽ tăng năng suất, nhằm kịp chuyển hàng Tết cho các shop trong tuần này.
Thực tế, nhu cầu sắm Tết cùng xu hướng mua online khiến nhu cầu chuyển phát hàng tăng đột biến dịp cuối năm. Một số đơn vị như J&T Express tại TP HCM cũng ghi nhận số lượng đơn hàng đổ về dịp này tăng 2-3 lần so với ngày thường. Hay tại Viettel Post, sản lượng đơn vận chuyển tăng tới 80%, có thời điểm chạm mốc gần 1,6 triệu đơn mỗi ngày.
Theo đại diện một doanh nghiệp trong ngành, dịp Tết là mùa cao điểm, do đó, các đơn vị vận chuyển cần dự đoán và lên phương án từ sớm để bố trí tăng nhân lực, phương tiện. Việc này sẽ giúp họ kiểm soát và đảm bảo lưu thoát hàng hóa, vận chuyển đúng thời gian cam kết tới khách hàng.
Vị này cho rằng các công ty vận chuyển cũng cần tính tới ứng dụng công nghệ mới trong vận hành, như dùng ứng dụng có tính năng định tuyến, lên phương án di chuyển, nhằm hỗ trợ bưu tá tăng hiệu suất, rút ngắn thời gian vận chuyển.
Ngoài ra, các đơn vị cần có các chính sách lương thưởng cho người lao động, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm. “Thu nhập tăng sẽ giúp bưu tá sẵn sàng chủ động nhận thêm hàng phát, phát vào buổi tối, ngoài giờ hành chính để tỷ lệ giao thành công cao hơn”, ông lưu ý.