Sau 20 tháng thi công, đúng 14h ngày 31/1, những mẻ bê tông cuối cùng đã được rót xuống để hợp long cầu Bến Rừng, chính thức thêm cửa ngõ đường bộ mới nối đôi bờ Quảng Ninh – Hải Phòng.
Quảng Ninh – Hải Phòng là 2 địa phương giáp ranh, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong những năm qua, Quảng Ninh – Hải Phòng đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung chia sẻ kinh nghiệm hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trong đó nổi bật là tăng cường liên kết vùng bằng những công trình giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể.
Cùng với cầu Bạch Đằng, cầu Bến Rừng là một trong những công trình điển hình hợp tác giữa 2 địa phương Quảng Ninh – Hải Phòng. Trong đó, cầu Bến Rừng thuộc công trình nhóm B, có chiều dài 1.865,3m, rộng 21,5m, cầu chính gồm 4 nhịp Extradosed với sơ đồ (90+2×160+90)m; phần cầu dẫn gồm 34 nhịp dầm superT; mố, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, móng sử dụng cọc khoan nhồi; tải trọng thiết kế HL93; kích thước thông thuyền BxH=2x(85×11)m. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương, ngân sách TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Tại buổi kiểm tra chung giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng vào tháng 7/2023 đã trao đổi và thống nhất tăng cường phối hợp để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án và phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4/2024.
Với tinh thần quyết liệt, sớm tạo kết nối mới cho 2 địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu đã tập trung tăng cường nhân lực, phương tiện, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Hiện công trình đã chính thức hợp long, đảm bảo đúng kế hoạch đã đề ra. Trong giai đoạn hoàn thiện, chủ đầu tư và các nhà thầu sẽ tổ chức tăng ca, tăng kíp để triển khai các hạng mục còn lại, hoàn thành công trình theo đúng thống nhất chỉ đạo của lãnh đạo 2 địa phương.
Khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhân dân 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh; phát huy dư địa đất đai giữa 2 khu vực, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan – kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch. Cùng với hệ thống đường thủy nội địa, đường biển sẽ tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn tạo lực đẩy cho phát triển cộng sinh trong giao thương hàng hóa, trong cung ứng nguồn nhân lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đồng thời, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 địa phương, nhất là nhân dân các huyện, thị xã nơi dự án đi qua; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.