Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được đánh giá sẽ có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Các nội dung quy định trong Luật bảo đảm bám sát yêu cầu tái cơ cấu, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) theo đúng chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Luật Các TCTD (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, có kết cấu gồm 15 chương, 210 điều.
Một số quy định đáng chú ý là việc bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên…
Tình trạng sở hữu chéo, chi phối TCTD là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi thời gian qua.
Luật Các TCTD (sửa đổi) bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo hướng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, nhóm cổ đông và người có liên quan; có lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan; bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên, người quản lý, người điều hành của TCTD, bổ sung, bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành, nâng cao tính độc lập, chuyên trách của thành viên Hội đồng quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, sửa đổi, bổ sung để tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát của TCTD;…
Theo các chuyên gia, những quy định tại Luật được đánh giá là tương đối chặt chẽ nhưng cần thiết, giúp các TCTD xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với thông lệ và thực tiễn hoạt động.
Việc bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động của TCTD nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD, giúp TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn, tạo tâm lý tin tưởng cho người gửi tiền.
“Các quy định này giúp tăng tính đại chúng của TCTD, tăng minh bạch thông tin và giám sát của đại chúng. Đồng thời, tách bạch giữa hoạt động quản trị với hoạt động điều hành, đáp ứng tốt nguyên tắc quản trị minh bạch trong tổ chức kinh doanh mà các định chế tài chính quốc tế khuyến cáo”, đại diện Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá.
Trong khi đó, chuyên gia của VNDIRECT cho hay, việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho TCTD.
Để hạn chế tác động lớn tới thị trường khi Luật có hiệu lực, Luật Các TCTD (sửa đổi) quy định điều khoản chuyển tiếp đối với những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Luật.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Như vậy, theo quy định mới, những tổ chức đang sở hữu hơn 10% cổ phần tại ngân hàng Việt Nam sẽ không phải giảm tỷ lệ sở hữu, nhưng các tổ chức này cũng sẽ không thể tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới 10%.
Luật Các TCTD (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, bảo đảm được tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi),…
Theo các chuyên gia của VNDIRECT, câu chuyện tại SCB đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro rút tiền hàng loạt (bank run), gây nguy cơ rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống. Trong Luật lần này đã bổ sung quy định về can thiệp sớm khi các TCTD cần hỗ trợ và quy định về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt.
Động thái này sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý thị trường và người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản hệ thống trong tương lai.
Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng quy định rõ các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, các biện pháp khác đối với TCTD khi tổ chức này bị rút tiền hàng loạt, bảo đảm an toàn hệ thống và bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.
Trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, Luật lần này cũng quy định về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại TCTD.
Đáng chú ý, trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Luật Các TCTD (sửa đổi) đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như:
- Quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu;
- Mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ;
- Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;…
Đồng thời, Luật quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng theo Nghị quyết 42 nhưng không luật hóa tại Luật này.
Đánh giá một cách tổng thể, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhìn nhận, việc thông qua Luật Các TCTD (sửa đổi) giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hiện nay:
“Khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã được kéo dài nhưng hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024, Luật Các TCTD (sửa đổi) được thông qua sẽ lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu đã và đang gia tăng”.