Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện nhằm phản ánh biến động các chi phí đầu vào, giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Bộ Công Thương vừa đề xuất tiếp tục điều chỉnh giá điện trong năm nay. Đề xuất này được Bộ đưa ra tại cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024 tổ chức vào đầu tuần này.
Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá điện này nhằm phản ánh biến động các chi phí đầu vào, giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Trong năm 2023 đã có hai lần điều chỉnh tăng giá điện ở mức 3% và 4,5%. Tuy nhiên, mức tăng giá này vẫn chưa khắc phục được khoản lỗ của EVN. Năm 2023, EVN vẫn lỗ khoảng 17 ngàn tỉ đồng. Tính chung hai năm 2022-2023, EVN lỗ gần 38 ngàn tỉ đồng.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của EVN, lãnh đạo tập đoàn này cho biết năm 2023, EVN và các đơn vị đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như tiết kiệm, tiết giảm 15% chi phí thường xuyên, từ 20-50% chi phí sửa chữa lớn và tiếp tục thực hiện các giải pháp để cố gắng cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó giá bán lẻ điện bình quân cũng được điều chỉnh tăng hai lần nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện nên tập đoàn tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ hai liên tiếp.
EVN chỉ ra các nguyên nhân chính là tăng chi phí khâu sản xuất điện là giá nhiên liệu dù đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước.
Cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thuỷ điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn thuỷ điện. Cùng đó, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, chia sẻ: “Tổng chi phí giá thành sản xuất điện là 2.092 đồng/kWh, giá thành bán ra là 1.950 đồng/kWh, trong đó giá thành sản xuất mua điện từ các đơn vị của EVN và các nguồn ngoài là xấp xỉ 1.620 đồng/kWh.
Tỉ trọng mua điện chiếm 80% chi phí giá thành của ngành năng lượng, trong khi ở các nước giá thành sản xuất điện giao động 40-50%, còn lại để dành chi phí cho các khâu truyền tải phân phối. EVN đang cố gắng hết mức tối ưu hóa chi phí, nhưng chỉ có hơn 20% để điều tiết thì đây giống như nhiệm vụ bất khả thi, không có hướng giải quyết”.
Năm 2024, Tổng giám đốc EVN nhận định tập đoàn sẽ tiếp tục đối mặt với một loạt khó khăn, thách thức, nhất là việc đảm bảo cân đối tài chính sau hai năm lỗ liên tiếp. Để tháo gỡ khó khăn này, ông Tuấn bày tỏ mong muốn sớm có điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện.