Ba Chẽ là địa phương có tiềm năng lợi thế rất lớn về kinh tế rừng. Phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ba Chẽ thành trung tâm lâm nghiệp của tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ về vấn đề này.
– Xin đồng chí cho biết về những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Ba Chẽ?
+ Huyện Ba Chẽ có diện tích tự nhiên 60.651,3ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 56.638,2ha, chiếm 93,4%. Có thể nói, đây chính là tư liệu sản xuất quan trọng để Ba Chẽ phát huy lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Những năm gần đây, trồng rừng sản xuất đã trở thành phong trào phát triển rộng lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Rừng trồng được chăm sóc, bảo vệ tốt. Nhân dân trên địa bàn huyện có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm và có sự tham gia tích cực của người dân, nên đã ngăn ngừa tình trạng cháy rừng, đốt rừng làm nương, rẫy.
Huyện Ba Chẽ cũng đã vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức quản lý bảo vệ rừng phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán, trình độ nhận thức của nhân dân để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, các ngành được nâng cao. Huyện đã thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp hằng năm.
– Thực trạng ở Ba Chẽ trước đây chủ yếu rừng trồng là cây keo, cây ngắn ngày. Đồng chí đánh giá thế nào về vấn đề này?
+ Cây keo hiện nay vẫn là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện do tương đối ổn định, phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất của người dân. Hơn nữa, cây keo có thể sinh trưởng ở những điều kiện khắc nghiệt, cây giống dễ sản xuất, thị trường mua bán gỗ keo lớn, nhanh mang lại thu nhập cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng, nên rất phù hợp với điều kiện của người trồng rừng, đặc biệt là các hộ gia đình không có vốn đầu tư dài hạn.
Cây keo cũng đã góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện trong nhiều năm qua, bộ mặt nông thôn huyện Ba Chẽ có được sự thay đổi như ngày hôm nay cũng nhờ rừng trồng keo mang lại.
Tuy nhiên, người dân thường trồng cây keo với mật độ rất dày, chỉ khoảng 5-6 năm đã khai thác bằng phương pháp “chặt trắng”, sau đó đốt thực bì toàn diện, nên chất lượng đất bị suy thoái, dẫn đến năng suất cũng như hiệu quả kinh tế trong những lần trồng sau bị suy giảm. Nhiều hộ gia đình trồng rừng từ cây keo giống không rõ nguồn gốc làm cho cây sinh trưởng kém, hiệu quả kinh tế thấp.
Ngoài ra, việc trồng rừng tập trung với mật độ dày trên địa hình quá dốc, những nơi có nguy cơ xảy ra gãy đổ cao, đi kèm với biện pháp trồng keo không đúng kỹ thuật cũng dẫn đến hiện tượng sạt lở đất hoặc làm giảm chất lượng đất. Do đó, chủ trương của huyện Ba Chẽ là tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ rừng chuyển dần từ rừng trồng keo sang trồng các loài cây gỗ lớn (lim, lát, giổi…), cây bản địa (quế, thông, sồi phảng…) có thời gian sinh trưởng trên 15 năm để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng trồng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
– Cùng với trồng rừng, việc bảo vệ rừng đã được thực hiện như thế nào trong những năm qua, thưa đồng chí?
+ Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Ba Chẽ hiện đang được các cấp, các ngành quan tâm và sự tham gia tích cực của người dân. Huyện phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời quy định rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ huyện tới xã về lâm nghiệp; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt là người có thẩm quyền, nhưng thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, phá rừng trái pháp luật, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với công an, quân đội, chính quyền địa phương, chủ rừng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng; kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thành phương án giao rừng cho nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện đều có chủ quản lý.
– Thời gian tới huyện Ba Chẽ sẽ có hướng đi gì để phát huy giá trị kinh tế rừng, thưa đồng chí?
+ Ba Chẽ là địa phương có tiềm năng, thế mạnh mang tính riêng có về rừng. Chính vì vậy, huyện đã xác định xây dựng Ba Chẽ thành trung tâm lâm nghiệp của tỉnh và tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế rừng, từ chỗ giảm nghèo đến chỗ làm giàu từ kinh tế rừng.
Do vậy, Ba Chẽ sẽ dồn lực chuyển đổi cơ cấu từ cây keo sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, phát triển kinh tế dưới tán rừng ở những khu vực có điều kiện phù hợp, vận động người dân sản xuất đảm bảo tiêu chí đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và phát triển du lịch cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với việc bảo đảm môi trường bền vững, bảo đảm nguồn sinh thuỷ, xây dựng chuỗi giá trị từ rừng quan tâm đặc biệt đến chế biến và chế biến sâu thay thế cho chế biến thô. Chúng tôi sẽ kêu gọi doanh nghiệp hợp tác với người dân trong sản xuất và chế biến. Đây là hướng đi cơ bản nhất trong kinh tế rừng, giúp nhân dân phát triển kinh tế bền vững.
– Cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!