Dù GDP 9 tháng tăng 4,24% so với cùng kỳ, là con số khá tích cực khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, nhưng thách thức trong thời gian còn lại của năm là rất lớn.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng qua tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Dù là con số khá tích cực, khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, nhưng thách thức trong thời gian còn lại của năm là rất lớn, bởi kinh tế thế giới vẫn đang biến động khó lường, triển vọng không mấy tươi sáng. Thậm chí nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng, sẽ tác động mạnh tới Việt Nam.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global cho thấy, các đơn đặt hàng xuất khẩu ở cả Mỹ, khu vực đồng Euro và Anh vẫn đang giảm mạnh, sẽ tiếp tục tác động đến ngành sản xuất chế biến chế tạo ở Việt Nam.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm khoảng 20%, Liên minh châu Âu giảm trên 9% và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á giảm 6,8%. Do đó, động lực tăng trưởng nhờ xuất khẩu sẽ còn tiếp tục khó khăn. Trong khi du lịch, dịch vụ dù đã cải thiện nhưng chưa đủ bù đắp.
“Các du khách quốc tế hạn chế đến các nước, trong đó có Việt Nam, vì các nước đó cũng gặp khó khăn khi thu nhập của người dân giảm”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chính sách Công, Trường Chính sách Công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay chỉ đạt 1,7%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đòi hỏi các quốc gia có những kịch bản tăng trưởng mới.
Kịch bản tăng trưởng cập nhật được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra có 3 kịch bản. Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7%. Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Ở kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
“Nhanh chóng đưa ra những kịch bản tăng trưởng tương ứng là cần thiết, song điều này không có nghĩa là hạ mục tiêu. Việt Nam phát đi thông điệp rõ ràng rằng đang duy trì phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra. Điều này đặt tất cả các cấp vào sự tập trung và nỗ lực ở mức cao nhất”, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.
Trên thực tế, những áp lực tăng trưởng đã được dự liệu từ sớm. Đơn cử đầu tư công được thúc đẩy mạnh ngay từ đầu năm, kết thúc 9 tháng giải ngân được 51,38%. Đây là điều chưa năm nào làm được.
“Chính phủ rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thành lập 5 tổ chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn sát sao tốc độ giải giải ngân vốn đầu tư công. Chưa năm nào đạt cả về tốc độ và quy mô giải ngân cao như năm nay”, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá.
“Trong bối cảnh biến động toàn cầu, khó tránh khỏi những tác động và kết quả chưa như kỳ vọng, nhưng tôi tin tưởng vào sức bật lâu dài của Việt Nam với sức đầu tư về cơ sở hạ tầng, với môi trường vĩ mô ổn định”, ông Shantanu Chakraborty,Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho biết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán.