Nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025), đại dịch Covid-19 trên diện rộng, diễn biến khó lường đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, song với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi toàn diện những mục tiêu đã được xác định.
Định hướng đúng, chỉ đạo kịp thời
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức xuất hiện gay gắt hơn, tác động sâu sắc, toàn diện về mọi mặt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Kịp thời đề ra, cũng như chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chủ động, quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế để trụ vững và vượt qua các thách thức và hậu quả do dịch Covid-19 gây ra, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế liên tục 7 năm liền trên 2 con số.
Tỉnh luôn luôn đổi mới tư duy phát triển, lựa chọn đúng nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với mọi tình huống đột xuất, bất ngờ trên các lĩnh vực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tập trung triển khai cụ thể hóa 4 quan điểm định hướng lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp lớn, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, khoa học, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện, rõ thời gian hoàn thành.
Vừa tập trung giải quyết có hiệu quả, dứt điểm những vấn đề cấp bách đặt ra, vừa chú trọng các chủ trương lớn mang tính chiến lược, lâu dài. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành 13 nghị quyết, 31 chỉ thị, 13 chương trình, 227 kế hoạch, 46 kết luận, trên 900 thông báo và hằng năm đều lựa chọn chủ đề công tác mang tính dự báo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Khi dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, tuân thủ nghiêm định hướng của Trung ương, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng bộ các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách kiềm chế dịch bệnh lây lan theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, thần tốc trong tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đảm bảo giữ vững địa bàn an toàn, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Khi dịch được đẩy lùi, tỉnh đã sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo chuyển trạng thái địa bàn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo đúng quy định của Chính phủ. Thời điểm đó, một loạt giải pháp cấp bách, căn cơ đã được tỉnh ban hành, tập trung tháo gỡ khó khăn để tái khởi động các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2 con số, như: Chính sách hỗ trợ, kích cầu các hoạt động du lịch; tập trung tháo gỡ khó khăn, giữ vững khai trường an toàn, đảm bảo cho quá trình sản xuất, kinh doanh của ngành than; đẩy mạnh hoạt động XNK…
Từ những định hướng đúng đắn, kịp thời, hiệu quả, qua 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định trên 2 con số. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 10,12%, năm 2022 đạt 10,28%, dự kiến năm 2023 tăng 11%. Bình quân giai đoạn 2021-2023, tăng 10,4%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh (khoảng 10%) và luôn nằm trong tốp những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, lập kỳ tích trong công cuộc đổi mới.
Tổng thu NSNN giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 160.476 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 122.109 tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng thu ngân sách, tăng bình quân khoảng 4,19%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; thu XNK đạt 38.367 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Tổng thu hút đầu tư ngoài ngân sách toàn tỉnh đạt 430.736 tỷ đồng, trong đó thu hút mới 26 dự án FDI, với số vốn đăng ký đạt 3.614,5 triệu USD, gấp 3,6 lần so với nửa nhiệm kỳ 2015-2020.
Đến nay, có 10/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra đã đạt và vượt. Cụ thể là các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động xã hội; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị; tỷ lệ giảm nghèo và tỷ lệ hộ nghèo; xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường; tỷ lệ che phủ rừng, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu
Nửa nhiệm kỳ còn lại, bối cảnh tình hình trong và ngoài nước vẫn có nhiều biến động, bất ổn, khó lường, đặc biệt là quá trình lạm phát tăng cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và xung đột Nga – Ukraine, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Nhận định rõ tình hình, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh rà soát các khâu yếu, ngành, lĩnh vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động bên ngoài; đồng thời phát huy sức mạnh nội sinh từ tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của Vùng mỏ, đưa ra những giải pháp chặt chẽ, khoa học, căn cơ để biến chuyển nguy cơ, thách thức thành cơ hội tiếp tục duy trì 10/16 chỉ tiêu nghị quyết đã đạt và vượt.
Đồng thời, tập trung hoàn thành 6 chỉ tiêu mà qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV chưa đạt (GRDP bình quân đầu người; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; các chỉ tiêu về y tế; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt).
Nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, đồng bộ, được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh định hướng theo Kết luận số 1026-KL/TU (ngày 11/7/2023) tại hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV giữa nhiệm kỳ, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng logistics, cảng biển; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số…
Từ những định hướng chiến lược được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định, UBND tỉnh đang tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng gắn với tư duy mở, cơ chế vượt trội, tập trung nguồn lực Nhà nước đủ tầm mức cho kích hoạt, kết nối nguồn lực tư nhân, tạo tăng trưởng lan tỏa trong toàn vùng; tập trung phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao; phát triển Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.
Đồng thời, phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa cảng Vạn Ninh (TP Móng Cái) vào sử dụng, cùng với đó tập trung thu hút đầu tư cảng Con Ong – Hòn Nét (TP Cẩm Phả) để thu hút các hãng tàu biển quốc tế đến làm hàng, phát triển kinh tế biển.
Một trong những nội dung đang được tỉnh ưu tiên tập trung chỉ đạo, điều hành hiện nay là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 6/15 đề án đã được Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định; cụ thể hóa các nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023) và những nội dung đã được ký kết với các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng về kết nối, phát triển liên kết vùng.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trên cơ sở Kết luận số 1026-KL/TU (ngày 11/7/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV giữa nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu những định hướng chỉ đạo, qua đó thống nhất biện pháp điều hành toàn diện, đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới để đạt được những kết quả cao nhất trên các lĩnh vực.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách liên kết vùng để làm cơ sở triển khai hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP (ngày 8/2/2023) của Chính phủ, trọng tâm là xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách để khuyến khích nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu; xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho các tỉnh, thành phố có Di sản thế giới và thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh.