Ngày 28/9, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 9 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH quý III/2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác tháng tiếp theo. Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023 có những thời cơ, thuận lợi, đan xen khó khăn, phải triển khai đồng thời khối lượng công việc rất lớn, chưa kiện toàn đủ lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh… Song với sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, các cấp, ngành, địa phương đã không ngừng đoàn kết, thống nhất, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch đề ra, giữ vững sự ổn định KT-XH, nhịp độ phát triển.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng gần 10%, đứng thứ 4 toàn quốc. Trong đó, khu vực công nghiệp xây dựng tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp tăng 4,38%; khu vực dịch vụ tăng 12,76%. Tổng lượng khách du lịch đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 40.000 tỷ đồng, tăng 4% cùng kỳ. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 853 triệu USD…
Cùng với đó, các công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm, động lực.
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, xã hội, thể thao, tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo không ngừng được nâng lên. Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% cùng kỳ. Đặc biệt, tỉnh cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh với những ngôi nhà “đại đoàn kết” khang trang, chắc chắn, an toàn. Đây là một trong những chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh những kết quả đạt được, triển khai nhiệm vụ 9 tháng năm 2023 vẫn còn một số hạn chế. Đó là một số chỉ tiêu thu ngân sách chưa đảm bảo tiến độ thu bình quân; một số chỉ tiêu thu ngân sách chưa đảm bảo tiến độ; tiến độ thi công, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm; tỷ lệ giải ngân thấp; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, TNGT, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều phức tạp cần tiếp tục quan tâm.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những khó khăn đã được dự báo ngay từ đầu năm, tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm từ tỉnh đến cơ sở, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đã bám sát theo kế hoạch đề ra, giữ vững ổn định chính trị, giữ đà tăng trưởng GRDP.
Để triển khai hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ trong Quý IV/2023 và cả năm với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng trên 11%, thu ngân sách nhà nước đạt 54.000 tỷ đồng, tổng khách du lịch đạt 15 triệu lượt, tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 107.000 tỷ đồng…, đồng chí yêu cầu các đơn vị, địa phương phải nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, triển khai công việc với tinh thần tập trung cao, quyết liệt, hiệu quả để đạt các mục tiêu. Quan điểm xuyên suốt đó là kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Chỉ đạo cụ thể, đồng chí yêu cầu cần rà soát, nhận diện những khó khăn, thách thức để kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, vượt khó khăn. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu, chi ngân sách, gắn với công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở các cấp ngân sách; chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 bằng việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm đã triển khai; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược nhằm tiếp tục tạo động lực, nền tảng cho tăng trưởng, phát triển không chỉ trong năm nay mà còn cho các năm sau.
Song song với đó, tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động, tăng mức chi tiêu và doanh thu du lịch. Trong quá trình thực hiện cần khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhằm tăng sức cạnh tranh…
Tích cực, chủ động, sáng tạo thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân”. Xây dựng môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, văn hóa phát triển. Thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội; chú trọng đối tượng chính sách, người có công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn. Đồng thời, xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm và cả năm 2023.
Ngay trong tháng 10/2023, thực hiện thành công các kế hoạch, mục tiêu, sự kiện hướng đến đợt kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh (30/10/1963-30/10/2023); chuẩn bị tốt các nội dung, chương trình, kế hoạch trình kỳ họp HĐND; chuẩn bị dự toán kế hoạch, kịch bản tăng trưởng triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024…