Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gắn với chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, thời gian qua huyện Hải Hà đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm trong khai thác thuỷ sản trên vùng biển do địa phương quản lý.
Với 35km chiều dài bờ biển, cùng diện tích biển và bãi biển khoảng 23.620ha, vùng biển ở Hải Hà có nhiều loại hải sản quý sinh sống như tôm, cua, cá, sò huyết, sá sùng… Bởi vậy, không chỉ ngư dân trên địa bàn huyện mà ngư dân ở các địa phương khác trong tỉnh và ngư dân tỉnh ngoài cũng đến Hải Hà để khai thác thuỷ sản.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, đến hết ngày 10/9/2023, trên địa bàn Hải Hà có 385 phương tiện tàu cá. Huyện đã tăng cường quản lý, cấp giấy chứng nhận tàu cá trên địa bàn. Trong 282 tàu cá có chiều dài trên 6m đến dưới 12m, huyện đã cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản đối với 168 tàu. Còn trong 40 tàu cá dài trên 15m, trước thời điểm 25/8/2023 có 15 tàu bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; sau khi gặp gỡ, làm việc, hướng dẫn các chủ tàu sử dụng thiết bị giám sát hành trình, đến nay các tàu đã được kết nối trở lại, làm thủ tục cập bến đảm bảo theo quy định. 63 phương tiện tàu cá dài trên 12m đến dưới 15m cũng được quản lý chặt chẽ.
Các lực lượng chức năng của huyện tích cực thực hiện kiểm soát hoạt động khai thác và bốc dỡ thuỷ sản trên bến. Trong 9 tháng năm 2023, huyện đã kiểm soát 257 lượt tàu rời cảng và 315 lượt tàu cập cảng, đảm bảo các thủ tục theo quy định. Các đơn vị chức năng còn cấp phát 105 cuốn nhật ký mẫu, thu 178 nhật ký khai thác cũ của các chủ phương tiện. Sản lượng thủy sản bốc dỡ 9 tháng năm 2023 trên địa bàn Hải Hà đạt 2.148 tấn.
Mặt khác, huyện tăng cường công tác kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản. 9 tháng năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra, xử lý 23 trường hợp vi phạm trong khai thác thuỷ sản, tổng số tiền xử phạt 453,5 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, khai thác sai vùng, sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản. Được biết, 9 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn huyện Hải Hà đạt 8.724 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù tăng cường kiểm tra, chống đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép, nhưng vùng biển Hải Hà không chỉ có ngư dân địa phương, mà còn ngư dân ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và ngư dân các tỉnh khác đến khai thác thủy sản, nên việc kiểm soát gặp không ít khó khăn. Hoạt động khai thác thủy sản bằng phương pháp cấm vẫn lén lút diễn ra. Đối tượng vi phạm thường theo dõi, thông báo cho nhau qua hệ thống thông tin bộ đàm để né tránh và lẩn trốn cơ quan chức năng, nên rất khó khăn trong phát hiện và bắt giữ vi phạm.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo ngư dân chấp hành đúng quy định trong khai thác, đánh bắt thủy sản, huyện Hải Hà cũng tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản. Huyện đã tích hợp quy hoạch không gian nuôi biển vào quy hoạch chung của tỉnh với diện tích là 2.570ha, trong đó chia thành 6 khu vực nằm trong vùng 3-6 hải lý. Đồng thời, lên sơ đồ 4 khu vực để người dân đăng ký nuôi trồng thủy sản trên biển và 2 khu vực thu hút đầu tư các HTX.
Tổng diện tích nuôi thủy sản 9 tháng trên địa bàn huyện đạt khoảng 1.426ha, trong đó diện tích thả tôm đạt 310ha, số lượng giống tôm thả ước đạt trên 300 triệu con; diện tích nuôi nước ngọt đạt 200ha. Huyện Hải Hà cũng phối hợp cùng Sở NN&PTNT tổ chức thả 40.000 con giống các loại gồm trắm, chép, mè, trôi… để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản nhân kỷ niệm 63 năm ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam tại khu vực hồ Trúc Bài Sơn (xã Quảng Sơn). Qua đó, tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng trên địa bàn huyện 9 tháng năm 2023 đạt 5.592 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian tới, việc tập trung kiểm tra, ngăn chặn khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép tiếp tục được huyện Hải Hà quan tâm, triển khai mạnh, gắn với công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.