Tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 9%, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 228 tỷ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, nhưng dấu hiệu phục hồi thấy rõ khi tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 9%, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Đáng chú ý, 2 nhóm hàng rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng có mức tăng trưởng kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
Với mức tăng gần 56% so với năm 2022, ngành rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về xuất khẩu. Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm nay, ngành này đã mang về 3,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, sầu riêng cũng chính thức thành trái cây tỷ đô khi cán mốc 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, chiếm 30%. Đặc biệt, đà tăng của loại trái cây này được dự báo còn tiếp tục bởi lợi thế của nước ta. Trong khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ, Việt Nam vẫn còn lợi thế tăng trưởng.
“Trong những tháng sắp tới, vùng sầu riêng ở Tây Nguyên sẽ được đưa vào xuất khẩu, cộng thêm những mặt hàng và những thị trường mới khác, dự đoán năm 2023 sẽ đạt hoặc vượt 5 tỷ USD, sớm hơn kế hoạch 2 năm”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định.
Nếu xét về thị trường, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng, sắp tới sẽ có thêm mít. Thậm chí, nước này cũng xem xét cho dừa tươi Việt được xuất khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên 8 tháng đầu năm, nhiều nhóm hàng chủ lực có kim ngạch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: điện thoại các loại và linh kiện; dệt may… Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng và các thị trường mới.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để phát triển, mở rộng các thị trường mới, tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường truyền thống, đây cũng là một phần nội dung trong Nghị quyết 144 phiên họp thường kỳ tháng 8 được Chính phủ ban hành.
Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc, do được hỗ trợ bởi các yếu tố: lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu…; tồn kho tại các nước đang giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp cuối năm.