Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây đang tạo áp lực lên chi phí sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Do đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là điều cần thiết.
Giá xăng dầu dự báo tăng mạnh
Ngày 20.9, giá dầu WTI giao dịch ở mức 91,2 USD/thùng, giảm 0,28 USD/thùng; dầu Brent giao dịch mức 94,3 USD/thùng, giảm 0,9 USD/thùng so với đầu giờ sáng qua. Giá dầu đang chững lại, tuy nhiên so với thời điểm cách đây 10 ngày, giá dầu đã tăng khoảng 4 USD/thùng.
Giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng mạnh so với kỳ trước. Theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 19.9, giá xăng 92 giao dịch ở mức 108,6 USD/thùng, xăng 95 giao dịch 114,1 USD/thùng, tăng 4 – 5 USD/thùng so với ngày điều hành ở kỳ trước.
Tại thị trường trong nước, trao đổi với Lao Động, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội cho biết, trong kỳ điều chỉnh ngày 21.9, nếu cơ quan điều hành không trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu (giống như các phiên điều chỉnh gần đây), giá xăng RON 95-III có thể tăng từ 900 – 1.000 đồng/lít.
Còn xăng E5 RON 92 tăng từ 750 – 850 đồng/lít; dầu DO dự báo tăng từ 850 – 950 đồng/lít. Nếu như dự đoán này là đúng thì giá xăng RON 95-III có thể vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít; còn xăng E5 sẽ vượt mức hơn 24.000 đồng/lít. Đây là mức tăng giá rất cao kể từ đầu năm đến nay.
Cần xây dựng danh mục thuế phí tương ứng với mức tăng giá thành phẩm xăng dầu thế giới
Giá xăng dầu ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam cho biết, rủi ro lạm phát toàn cầu quay lại, giá xăng, dầu cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước.
Việc giá nhiên liệu tiếp tục đi lên có thể là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số CPI tăng. Do đó, giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là điều cần thiết.
“Tỉ giá hiện tại được neo cao, nhưng vẫn ổn định trong biên độ dưới 3% từ đầu năm. Điều này cho thấy chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả vừa nhằm hỗ trợ xuất khẩu và vừa kiểm soát lạm phát.
Việc giữ tỉ giá ổn định cũng sẽ giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế và giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu và ổn định thị trường lao động trong thời gian tới”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Nói với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho biết, các loại thuế phí, lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh khiến giá xăng dầu của Việt Nam thuộc hàng trung bình đến cao trên thế giới. Tổng mức thuế, phí, chi phí, lợi nhuận cộng vào giá thành phẩm từ 40-60% giá bán lẻ khiến giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế của người dân.
Để kéo giảm giá xăng dầu trong nước, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần xác định giảm giá ở 2 khu vực: khu vực giá thế giới (nhập khẩu) và khu vực giá nội địa (thuế phí, chi phí…). Với khu vực giá thế giới, để kéo giảm giá thành cần đàm phán và tập trung mua hàng với số lượng lớn để có giá tốt nhất.
Với khu vực giá nội địa, để kéo giảm giá thành phát sinh cần giảm bớt các công cụ thuế phí và xây dựng danh mục thuế phí tương ứng với mức tăng giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Ví dụ: đối với thuế nhập khẩu áp dụng 10% khi giá thành phẩm dưới 70 USD/thùng, và giảm dần 9% mức từ dưới 80 USD/thùng, 8% mức từ dưới 90 USD/thùng, 7% mức từ dưới 100 USD/thùng, 6% mức từ dưới 110 USD/thùng. “Nghĩa là với mỗi lít xăng dầu Nhà nước sẽ chỉ thu 1 mức thuế phí cố định; tùy biến động trượt giá, trong mỗi kỳ điều chỉnh, cơ quan điều hành sẽ điều chỉnh mức thuế phí cho phù hợp”, ông Thắng nói.
Ông Thắng khẳng định, mỗi loại thuế phí được kéo giảm và ổn định mức thuế theo biến động thị trường thành phẩm sẽ không khiến giá thành xăng dầu tăng cao đột biến. Sự phối hợp và điều tiết giữa khu vực giá thế giới và khu vực giá nội địa sẽ làm cho thị trường xăng dầu vận hành tự động và minh bạch. Từ đó, tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng.