Để tiếp tục tạo bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn cần sự đồng thuận, đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân. Bởi vậy, những năm qua Quảng Ninh luôn chú trọng tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
Cấp ủy, chính quyền của các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn chú trọng lãnh đạo, tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) về các nội dung Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và các nghị quyết, chương trình liên quan của Trung ương, của tỉnh.
Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong năm 2023, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, gắn với chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cùng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ký kết các chương trình phối hợp, tập trung thực hiện các nội dung liên quan đến công tác dân vận chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ, công tác cải cách hành chính, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC).
Người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn xác định rõ trách nhiệm của mình trong trực tiếp chỉ đạo, điều hành và đổi mới công tác dân vận, thực hiện phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; triển khai thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Gắn công tác dân vận với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội
Cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác dân vận, việc triển khai công tác này được tổ chức phù hợp thực tiễn, đáp ứng quyền và lợi ích, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của CBCCVC-NLĐ và nhân dân; gắn chặt với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh và các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền toàn diện về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, các sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh. Hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh được quản lý, vận hành hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành và làm việc của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đầy đủ, đồng bộ các chế độ đối với gia đình chính sách, người có công; hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, nhất là trong các dịp lễ, tết. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng chi an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ 2022.
Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương và triển khai áp dụng Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, cao hơn mức chuẩn nghèo theo quy định của Trung ương. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng.
Đặc biệt, thông qua đẩy mạnh công tác dân vận, Quảng Ninh đã huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn dân trong chương trình xây dựng NTM. Năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình này và là một trong 6 tỉnh, thành phố trong cả nước bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, giải quyết kiến nghị cử tri được các cấp, các ngành tập trung. 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp 3.636 lượt công dân với 2.082 vụ việc. Trong 382 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính các cấp, đã có 250 vụ việc được giải quyết, các vụ việc khác đang trong quá trình xem xét.
Các cấp ủy, chính quyền đều tạo thuận lợi tối đa cho Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh. 6 tháng đầu năm 2023, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh và các tổ chức thành viên đã tổ chức được 2.561 hội nghị lấy ý kiến nhân dân với 130.225 lượt người tham dự và có 6.031 lượt ý kiến tham gia vào các nội dung của dự thảo Luật.
Việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận đã giúp tỉnh huy động cao nhất sức mạnh, nguồn lực trong nhân dân. Cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp đã sáng tạo, đoàn kết, cùng nhau chung tay đưa Quảng Ninh ngày càng phát triển bền vững về kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng.
Ông Lý Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Liêu: “Công tác dân vận góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển sản xuất và đời sống nhân dân” Xác định công tác dân vận có vai trò quan trọng góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Liêu đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng đẩy mạnh triển khai và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác này và gắn chặt chẽ với công tác dân tộc. Huyện chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở gắn với nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị của nhân dân; tăng cường và nâng cao chất lượng hội nghị tiếp xúc, chất vấn, trả lời chất vấn và giải quyết kiến nghị của cử tri. Chỉ đạo UBND huyện phối hợp với MTTQ, các phòng ban, ngành cấp huyện, các lực lượng vũ trang trên địa bàn đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác dân vận chính quyền, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ thôn, bản, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc bằng nhiều hình thức. Huyện đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách thiết thực, có hiệu quả; chỉ đạo triển khai đề án Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục, tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu trên địa bàn giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nhân dân tin tưởng, noi theo… Đến nay, tình hình trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện tốt; kinh tế tiếp tục đà phát triển, các hoạt động văn hóa – xã hội được quan tâm tổ chức và đạt được nhiều kết quả; quốc phòng – an ninh được củng cố, giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và quản lý nhà nước đảm bảo chặt chẽ. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị đề ra.
|
Ông Lê Hải Câu, Bí thư Đảng ủy xã Yên Đức, TX Đông Triều: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận” Trong thời gian qua, Yên Đức đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác dân vận, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân theo phương châm “Phát huy sức dân, chăm lo cho dân”. Xã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, hiệu quả, gắn với chủ đề công tác hằng năm, nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất để mở rộng các tuyến đường liên xã, liên thôn, tuyến ngõ, đường ra vùng sản xuất. Từ năm 2017 đến đầu năm 2023, nhân dân đồng tình hưởng ứng hiến đất làm đường, các công trình công cộng với tổng diện tích đất ở nông thôn 3.854m2, đất nông nghiệp 20.100m2 và đất cây lâu năm 5.220m2. Xã xây dựng, vận động nhân dân hưởng ứng, duy trì hiệu quả mô hình “Thùng rác môi trường”, “Tuyến đường hoa”, “Thắp sáng đường quê”… Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo triển khai các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội xã; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào đổi mới công tác dân vận của cơ quan và vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế – xã hội bền vững; góp phần thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm địa phương đã đề ra, đó là nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, chất lượng đời sống nhân dân, nâng chất tiêu chí đô thị và thành lập phường Yên Đức.
|
Ông Ngô Văn Nghĩa, khu 6, phường Ka Long, TP Móng Cái: “ Người dân luôn đồng tình ủng hộ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước” Người dân chúng tôi luôn đồng tình ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tin tưởng vào các cấp chính quyền. Đơn cử, trong dịp vừa qua, liên quan đến việc triển khai dự án đường cao tốc Tiên Yên – Móng Cái, có thực hiện giải phóng mặt bằng ở các mỏ khai thác đất trên địa bàn, trong đó có mỏ đất số 3 tại khu 6, phường Hải Yên. Ngay khi nhận được tuyên truyền, chúng tôi đều rất đồng tình ủng hộ. Bản thân tôi cũng như nhiều hộ dân, khi đó chưa có phương án bồi thường nhưng vẫn đồng thuận bàn giao ngay mặt bằng để phục vụ thi công dự án. Bởi chúng tôi biết rằng, việc triển khai dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, văn minh. Tôi cũng tin tưởng rằng, các cấp, ngành sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người dân.
|