Nhiều giao dịch thanh toán có trị giá rất nhỏ tại các điểm bán hàng rong, trà đá… cũng không dùng tiền mặt. Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý 2 giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Ngày 20-9, tại Hà Nội, báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023.
Tại buổi họp báo, ông Lê Anh Dũng – phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước – đánh giá thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của toàn thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện ở cả những giao dịch rất nhỏ như tại các điểm bán hàng rong, trà đá… và mang lại tiện ích rất lớn đối với người dùng.
Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như công nghệ thẻ chip tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code)…
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng đang rất tích cực triển khai phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC).
Tính đến tháng 7, cả nước đã phát hành được 140 triệu thẻ ngân hàng, trong đó có 10,8 triệu thẻ được mở bằng phương thức eKYC.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Hưng – chủ tịch Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) – phát biểu có thể nói sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây.
Số liệu thống kê qua hệ thống cho thấy đến hết quý 2, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65% về số lượng giao dịch và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, giao dịch rút tiền mặt qua máy ATM quý 2 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị so với cùng kỳ 2022. Những con số trên cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hằng ngày.