Môi trường tự nhiên có những vai trò to lớn đối với cuộc sống của con người và các hoạt động phát triển KT-XH. Chính vì sự quan trọng đó, những năm qua, các cấp, ngành địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ môi trường (BVMT). Qua đó, đã có nhiều hoạt động, mô hình tạo sức lan toả trong cộng đồng.
“Biến rác thải thành tiền” là mô hình đã được Hội LHPN tỉnh triển khai hiệu quả, thu hút được đông đảo các hội viên và nhân dân hưởng ứng tham gia. Tại khu 4, phường Hồng Hà (TP Hạ Long), Chi hội phụ nữ và nhân dân trong khu phố đã có quy định mỗi tháng tập kết các loại rác thải khó phân hủy và độc hại với môi trường như đồ nhựa dùng một lần, lốp cao su, chai thủy tinh… Trong đầu tháng 9/2023 vừa qua, người dân khu phố 6 đã thu hơn 2 tấn rác thải khó phân hủy để chuyển đến các đơn vị chức năng xử lý.
Do được tuyên truyền, nhận thức rõ ý nghĩa của việc tái chế, tái sử dụng rác thải là phương pháp hữu hiệu để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu chất thải, khí thải độc hại ra môi trường nên người dân trong khu phố đã cùng nhau thực hiện. Thông qua đó, việc phân loại rác thải tại hộ gia đình được đẩy mạnh, người dân đổ rác đúng giờ và nơi quy định, không vứt rác ra đường, giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Bà Phạm Quý Phượng (khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) chia sẻ: Chúng tôi thấy việc phân loại rác tại nhà rất hữu ích nên khi được tập huấn về việc phân loại rác thì hầu hết người dân đều làm theo hướng dẫn. Tôi cũng mong muốn ngày càng có nhiều chương trình bảo vệ môi trường ý nghĩa, thiết thực để xây dựng TP Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung luôn sạch đẹp, an toàn.
Không chỉ bảo vệ môi trường, cảnh quan, mô hình “Biến rác thải thành tiền” còn trở nên ý nghĩa hơn khi nguồn kinh phí thu được từ việc bán rác thải tái chế đều dành cho các hoạt động cộng đồng, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở trong khu phố. Bà Trần Nam Bình, Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ khu 6, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) cho biết: Hằng năm, chúng tôi thu được từ 5-10 triệu đồng từ mô hình “Biến rác thải thành tiền”. Qua đó triển khai nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như tặng quà, tiền mặt, đồ dùng học tập… Mô hình, việc làm tuy nhỏ nhưng lại vô cùng ý nghĩa, không những làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn làm thay đổi và nâng cao ý thức của cán bộ hội viên phụ nữ, nhân dân và giáo dục con em trong gia đình thực hiện vệ sinh môi trường, tạo ý thức thực hành tiết kiệm, sẻ chia yêu thương đến các hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, các hội viên phụ nữ và nhân dân trong tỉnh cũng đã sáng tạo làm các sản phẩm gia dụng, đồ dùng hữu ích phục vụ đời sống hàng ngày từ rác thải tái chế. Đối với các loại rác thải hữu cơ có thể phân hủy thì được ủ thành phân vi sinh để bón cho cây trồng.
Bên cạnh mô hình “Biến rác thải thành tiền” thì hiện nay phong trào “Ngày chủ nhật xanh” cũng đã tạo được sự lan tỏa, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân. Hội phụ nữ các cấp là đơn vị chủ trì tham mưu, giám sát tổ chức thực hiện; hội viên phụ nữ làm nòng cốt, huy động sự tham gia tích cực của các lực lượng trong cộng đồng dân cư.
Đã thành thông lệ, vào cuối tuần, chi hội phụ nữ ở thôn, khu phố thông báo thời gian, địa điểm thông qua các nhóm zalo, facebook… để nhân dân cùng nhau ra quân dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh… làm đẹp nơi mình sinh sống. Ông Nguyễn Văn Tước, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đìa Mối, xã An Sinh (TX Đông Triều), cho hay: Thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, bên cạnh việc phát triển kinh tế thì vấn đề bảo vệ môi trường cũng được người dân trong thôn đặc biệt quan tâm. Các tuyến đường nội thôn đều được trồng cây xanh ở 2 bên đường và giao cho các đoàn thể phụ trách việc vệ sinh, cắt tỉa cây thường xuyên để đảm bảo đường làng, ngõ xóm luôn xanh, sạch, đẹp và đảm bảo an toàn giao thông.
Mỗi người dân, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đơn giản hàng ngày đều có thể góp phần hạn chế ô nhiễm, rác thải, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giàu đẹp.