Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lúa năm nay đạt nhiều thắng lợi nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Ngoài thành công về diện tích, sản lượng thì năm nay còn ghi nhận, giá lúa ở mức cao và sản lượng xuất khẩu tăng. Đây được xem là cơ hội để ngành hàng có thêm động lực phát triển bền vững.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Thu Đông – vụ lúa thứ ba được đẩy lên 700.000 ha để nắm bắt cơ hội về giá bán khi thị trường thế giới có nhiều biến động. Hơn 230.000 tấn lúa tăng thêm nhờ tăng diện tích đã giúp nông dân ĐBSCL đạt mức lợi nhuận rất cao. Ở một số nơi, sau khi trừ chi phí, bà con lãi 30 – 35 triệu đồng/ha.
Với tổng diện tích khoảng 3,8 triệu ha trong năm 2023, ĐBSCL đạt sản lượng gần 24 triệu tấn lúa, tăng hơn 400.000 tấn so với năm trước. Đây là kết quả tổng hợp, trong đó then chốt là các gói giải pháp kĩ thuật và tư duy liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng.
Ông Nguyễn Thành Phước – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Liên kết sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm là chúng ta phải từ đầu đến cuối. Vấn đề thứ hai là để nâng cao chất lượng, tỉnh khuyến cáo bà con sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học”.
Dù vậy, vẫn cần những điều chỉnh từ thực tế sản xuất cho các vụ mùa tiếp theo. Chẳng hạn, lượng giống gieo sạ ở ĐBSCL bình quân là 110 kg/ha quá cao nếu so với miền Bắc.
Sẽ có những thay đổi trong thời gian tới bởi nông dân biết rằng nâng chất lượng lúa, giảm giá thành mới là hướng đi bền vững của ngành hàng lúa gạo.
Thực hiện tốt mô hình liên kết tiêu thụ lúa
Giá lúa tăng những tháng qua người nông dân rất phấn khởi nhưng càng như vậy thì việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm càng cần phải nhắc tới để đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho người nông dân.
Nhờ thực hiện mô hình cánh đồng lớn lúa vùng ĐBSCL, diện tích liên kết sản xuất mỗi vụ khoảng 150.000 – 200.000 ha.
Hiện nay, có 2 hình thức liên kết chủ yếu: Doanh nghiệp đầu tư (giống, thuốc, cung ứng vốn) và doanh nghiệp có tham gia một phần vào quá trình sản xuất của nông dân, bao tiêu sản phẩm… hoặc bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng không đầu tư, không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất.
Các địa phương thực hiện tốt gồm: Kiên Giang, An Giang, TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng…
Sẵn sàng cho vụ Đông Xuân 2023 – 2024
Theo tính toán, tham gia cánh đồng lớn gắn với liên kết sẽ giúp nông dân giảm chi phí từ 10 – 15% và tăng thêm lợi nhuận từ 2,2 – 7,5 triệu đồng/ha. Đây cũng là tiền đề quan trọng của vụ Đông Xuân 2023 – 2024 tới, trước những dự báo thuận lợi lẫn khó khăn khá nhiều.
Giải pháp đẩy lịch thời vụ sớm đã được tính đến. Trước mắt, từ ngày 10 – 30/10, những vùng có nguy cơ hạn, thiếu nước sẽ xuống giống sớm để tránh mặn với diện tích khoảng 375.000 ha, thậm chí là 500.000 ha. Các giống lúa ưu tiên chịu phèn mặn từ 2 – 3 phần ngàn, nhưng vẫn đảm bảo thuộc giống chất lượng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm, Philippines dự kiến nhập thêm 1,1 triệu tấn gạo, Indonesia khả năng nhập khoảng 700.000. Các thị trường khác như Malaysia, Trung Quốc cũng sẽ có những kế hoạch nhập khẩu gạo trong thời gian tới.
Tín hiệu thị trường tốt, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp dự báo giá cả dù ở mức cao nhưng sẽ có sự điều chỉnh phù hợp hơn.
Không quá lo về đầu ra cho lúa gạo vụ Đông Xuân tới, nhưng liên kết vẫn là chìa khóa của thành công. Bởi chỉ khi doanh nghiệp có nguồn gạo trong kho, mới chủ động đàm phán giá cả mà không phải kí trước các hợp đồng, lại khó điều chỉnh khi thị trường biến động tăng.