Nghệ sĩ là thần tượng hay nạn nhân của cư dân mạng, khoảng cách mong manh như sợi chỉ. Nhiễu nhương của showbiz, phải chăng do chính cư dân mạng chung tay?
Những ngày qua, cái tên Hoàng Thùy Linh trở thành đề tài bàn tán của cư dân mạng. Từ thái độ không khiêm nhường đến những clip biểu diễn hát nhép hay chưa bao giờ live (theo nhận định của cư dân mạng) được đào lại.
Thậm chí, cư dân mạng còn làm phép so sánh rồi nhận định “cư dân mạng nợ Chi Pu một lời xin lỗi”.
Hoàng Thùy Linh và Chi Pu có chung một vấn đề về khả năng hát live. Chuyện này chưa bao giờ là mới. Nhưng nếu tư duy vì Hoàng Thùy Linh live kém mà nợ Chi Pu lời xin lỗi vì đã từng chê cô hát dở thì có lẽ, không ít người sẽ thấy lo ngại.
Cái kiểu “so bó đũa chọn cột cờ” này, sẽ có ích trong vài trường hợp nhưng nếu đặt trong bối cảnh “ai hát đỡ dở hơn thì sẽ được chấp nhận” sẽ trở thành mối nguy hại cho các showbiz Việt lẫn khán giả yêu âm nhạc đúng nghĩa.
Trẻ già măng mọc, sự đi lên của thế hệ sau sẽ mang khát vọng nổi tiếng người trẻ, kỳ vọng của thế hệ trước và sự mong chờ của khán giả. Suy cho cùng, ai cũng mong ngóng về một showbiz Việt chỉ có chất lượng “sang xịn mịn”.
Nhưng điều đó có được hay không lại tùy thuộc rất nhiều vào đối tượng khán giả. Bởi lẽ, nếu khán giả có được một trình độ thưởng thức nhất định, thì chắc chắn không có chuyện dễ dãi chấp nhận một giọng ca hay một sản phẩm kém chất lượng.
Khi đề cập đến tương lai của showbiz Việt, điều giới chuyên môn bận tâm không phải là sức sáng tạo của lớp văn nghệ sĩ mà là ý thức cũng như trình độ thưởng thức, thẩm mỹ thưởng thức của lớp khán giả.
Như chia sẻ của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh “nếu không được giáo dục về mặt thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật, việc khán giả dễ dàng chấp nhận những sản phẩm kém là điều dễ hiểu”.
Nỗi lo đó dường như đang ứng với guồng quay của showbiz Việt (tất nhiên ở nhiều showbiz khác nữa). Cứ trai xinh gái đẹp, mặc nhiên đã có đặc quyền trở thành nghệ sĩ và có đến hơn 50% trở thành người nổi tiếng. Đó là một sự thật rất đỗi phũ phàng nhưng vẫn hiện diện từ nhiều năm nay.
Điều đó lý giải vì sao có những giọng ca khiến khán giả choáng ngợp về độ đầu tư sản phẩm nhưng khi cất giọng lại cho thấy họ thiếu năng lực ca hát.
Không kể đến cậu ấm cô chiêu đổ tiền làm người nổi tiếng thì có cả những người nổi tiếng chỉ có một ưu điểm là đẹp. Khán giả vẫn tung hô họ như những thần tượng, là mục tiêu phấn đấu của đời mình mà không cần quan tâm đến chất lượng tài năng.
Showbiz Việt đầy rẫy những người nổi tiếng lắm chiêu nhưng thiếu tài. Nhưng nếu bị động chạm đến thì lại “xù lông” phản đối. Cùng với đó là một đội ngũ người hâm mộ đông đảo sẵn sàng chiến đấu để tiêu diệt người dám nói thẳng vấn đề.
Là guồng quay của showbiz, những sự thật phũ phàng đến đau lòng là điều khó tránh. Nhưng rõ ràng, khán giả có đặc quyền ngăn chặn những đau thương này xảy ra hay chí ít là hạn chế tối đa những sự thất vọng thì dường như lại bị bỏ quên. Nhiều khán giả cứ tung hô thần tượng theo đám đông rồi lại chửi bới, miệt thị ai đó theo đám đông.
Nhiều người đã hỏi vì sao “có những người nổi tiếng vướng scandal rồi vẫn trở lại hoạt động bình thường?”. Là vì khán giả Việt dễ tẩy chay rồi cũng dễ quên. Tất nhiên, không ai cổ súy cho việc ngăn người khác sửa sai.
Nhưng rõ ràng, nếu khán giả tự trau dồi về thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật, chắc chắn sự lựa chọn thần tượng của khán giả sẽ không bao giờ sai.