Sau hơn 26 năm tái lập tỉnh với quyết tâm chính trị cao, bám sát thực tiễn, đoàn kết, năng động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Bình Phước đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đề ra. Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt nhiều thành tựu quan trọng tạo nên bước ngoặt mới: Các nhân tố văn hóa luôn gắn kết với đời sống và hoạt động xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa được chú trọng. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng nhiều hơn và ngày càng hoàn thiện. Công tác tuyên truyền, biểu diễn ngày càng chuyên nghiệp với nhiều sự kiện văn hóa lớn thu hút đông đảo người dân tham gia.
Hình thành đặc tính con người Bình Phước tốt đẹp
Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, thông qua những cuộc vận động, các phong trào thi đua, đặc biệt là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…, những đặc tính cơ bản “yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” của con người Bình Phước ngày càng được khẳng định và phát huy. Bản sắc, giá trị văn hóa con người Bình Phước được tiếp tục kế thừa, phát huy cao độ khi tỉnh gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh…
Khi dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, sự tập hợp lực lượng của UBMTTQVN các cấp, cả hệ thống chính trị, các lực lượng tiêu biểu như ngành y tế, quân đội, công an, công đoàn, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, nông dân, báo chí, văn hóa, văn nghệ đã hăng hái đi đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Hoạt động tuyên truyền văn hóa, nghệ thuật đổi mới hình thức và phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch và phục vụ kịp thời nhân dân. Đặc biệt đã có hàng trăm tỷ đồng được quyên góp để hỗ trợ các địa phương, người dân gặp khó khăn. Điều này đã minh chứng khi văn hóa được lan tỏa và trở thành “sức mạnh mềm” thì hoàn toàn có thể định vị hình ảnh một Bình Phước đầy bản sắc văn hóa và nghĩa tình.
Để văn hóa trở thành sức mạnh
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, Bình Phước là vùng đất có “diễm phúc”. Ông lý giải ít nơi nào có được sự hội tụ của 41 dân tộc anh em mà không có sự cục bộ, lại rất hòa đồng như nơi này. Ông cũng cho rằng với truyền thống văn hóa và thế mạnh ấy, Bình Phước rất có tiềm năng trở thành điểm hẹn văn hóa hấp dẫn.
Hơn 26 năm qua, vượt qua thử thách của một tỉnh còn nhiều khó khăn, công tác xây dựng và phát triển văn hóa ở Bình Phước có những điểm sáng, để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách cả nước, bước đầu được định vị là địa phương phù hợp để phát triển du lịch trải nghiệm, tìm hiểu truyền thống. Những năm gần đây, đã có một số di tích được lựa chọn đầu tư, trở thành điểm tham quan về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng của nhân dân, cán bộ, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
Ông Sơn Duy Oai, du khách đến từ tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Tôi đến Bình Phước đã nhiều lần, nhận thấy sau nhiều năm Bình Phước nay đã phát triển rất mạnh. Tôi mừng vì sự đổi thay đó và càng ấn tượng hơn bởi ở đây tôi có nhiều đồng nghiệp sinh sống và họ rất chân thành, sống có nghĩa tình. Lần đầu ghé Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tôi cảm nhận ở đây như một Buôn Đôn của Bình Phước. Đặc sắc ở chỗ nơi này còn giữ được nhiều nét tự nhiên hoang sơ, không bị đô thị hóa như một vài khu du lịch khác.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước sau hơn 26 năm có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Xã hội hiện đại có những biến đổi toàn diện tạo ra sự đan xen giữa các yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Một số hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, chưa đủ sức để tác động có hiệu quả trong việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Đời sống văn hóa tinh thần ở một số nơi còn hạn chế, điều kiện hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới còn nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững đối với di sản, nguy cơ di sản thất truyền do việc giữ gìn, kế tục, sử dụng và truyền dạy các di sản văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, trong quá trình toàn cầu hóa, một quốc gia dân tộc không thể phát triển ổn định và bền vững nếu chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên, thậm chí hy sinh các giá trị văn hóa. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bằng cách này, văn hóa Bình Phước những năm qua đã viết nên những câu chuyện về đất và người Bình Phước có nhân cách, lối sống đẹp. Thông qua các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…, Bình Phước còn được nhiều người biết đến với những địa danh lịch sử, thắng cảnh hùng vĩ, đặc sản độc đáo ít nơi nào có được. Đó thực sự là những tài nguyên để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng Bình Phước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang bày tỏ: Tôi đánh giá rất cao Bình Phước qua các thời kỳ, lãnh đạo tỉnh luôn chú trọng và tìm cách để biến văn hóa thành nội lực, thành tài nguyên để khai phá. Điều đó hứa hẹn về một Bình Phước đa sắc màu văn hóa trong tương lai.