Thông tin về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 8 năm 2023 của Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 08/2023 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 75.000 tỷ đồng, đạt 5,5% dự toán pháp lệnh, bằng 71,1% cùng kỳ.
Cụ thể: Thu từ dầu thô ước đạt 4.400 tỷ đồng, bằng 10,5% so với dự toán, bằng 53,8% cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 70.600 tỷ đồng, bằng 5,3% dự toán pháp lệnh, bằng 72,5% cùng kỳ.
Tổng thu lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 962.097 tỷ đồng, bằng 70,1% dự toán pháp lệnh, bằng 93,9% cùng kỳ.
Trong đó, số thu từ dầu thô ước đạt 39.748 tỷ đồng, bằng 94,6% dự toán, bằng 74,9% cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 922.348 tỷ đồng, bằng 69,3% dự toán pháp lệnh, bằng 94,9% cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 743.106 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán pháp lệnh, bằng 99,6% cùng kỳ.
Tổng cục Thuế cho biết: so với dự toán, xét về khoản thu, sắc thuế có 14/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 68%).
Trong đó một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 74,5%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 70,5%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 70,9%; phí – lệ phí ước đạt 72,6%; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước ước đạt 92,1%; thu cổ tức, lợi nhuận được chia ước đạt 79,1%;…
Còn 06/20 khoản thu đạt dưới 68% như: Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 66,6%; Thu lệ phí trước bạ ước đạt 54,4%; Tiền sử dụng đất ước đạt 42,2%; Thuế bảo vệ môi trường ước đạt 37,2% do thực hiện Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay và Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 63,2%;…
Về kết quả thu theo địa bàn, tổng thu do cơ quan thuế quản lý có 27/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao hơn 68% như: Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận,…còn 36/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 68%), trong đó có một số địa phương có tiến độ thu đạt thấp dưới 55% dự toán là: Lai Châu, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Trị, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thái Bình, Phú Yên, Ninh Bình, Bình Phước.
Tổng thu nội địa nếu không kể tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức và lợi nhuận còn lại, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước thì có 27/63 địa phương thu đạt từ 68% trở lên, còn 36/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 68%).
Trong đó có một số địa phương có tiến độ thu rất thấp dưới 55% dự toán là: Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Bình, Sơn La, Hà Giang, Bình Phước, Ninh Bình, Thái Bình.
Nếu so với cùng kỳ, có 14/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng là: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 5,7%; Khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước tăng 5,1%; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 2,4%; phí – lệ phí ước tăng 6,8%; …
Có 6/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ như: thuế bảo vệ môi trường ước bằng 67,7%; lệ phí trước bạ ước bằng 71,3%; thu tiền sử dụng đất ước bằng 42,3%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 61,1%;…
Có 9/63 địa phương có tăng trưởng thu là: Hà Nội, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Điện Biên, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre. 54/63 địa phương có số thu thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Tổng thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức và lợi nhuận còn lại và chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước thì có 14/63 địa phương có tăng trưởng thu. Còn 49/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Với kết quả thu NSNN nêu trên, số thu ngân sách trung ương 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 476.019 tỷ đồng, bằng 77,3% dự toán, bằng 109,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 486.078 tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán, bằng 82,5% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2023, trong 8 tháng đầu năm, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn, miễn, giảm là khoảng 128.969 tỷ đồng.
Trong đó: số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 89.725,8 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 39.243 tỷ đồng. Theo đó, thực hiện các chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất có tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 89.725,8 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế còn được tiếp tục gia hạn là khoảng 64.628 tỷ đồng.
Cụ thể: gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 15/5/2023: Tính từ thời điểm Nghị định có hiệu lực (21/6/2023) đến nay, ước tính số tiền thuế đề nghị được gia hạn là khoảng 2.503,9 tỷ đồng.
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 tính từ thời điểm Nghị định có hiệu lực (14/4/2023) đến nay đã có số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn ước tính khoảng 87.221,9 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, tiền thuê đất còn được gia hạn là khoảng 62.125 tỷ đồng.
Về các chính sách giảm thu, tổng số tiền thuế, phí giảm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2023 ước tính khoảng 39.243 tỷ đồng.
Cụ thể: một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành và có hiệu lực trong năm 2022 tác động làm giảm số thu ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ ước tính khoảng 9.192 tỷ đồng.
Trong đó, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về việc quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thời gian áp dụng từ 01/02/2022 đến 31/12/2022 tuy nhiên, do độ trễ về thời hạn kê khai thuế nên làm giảm ngân sách nhà nước trong tháng 1/2023 ước tính là khoảng 2.960 tỷ đồng.
Chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 từ ngày 11/07/2022 đến 31/12/2022 ước tính làm giảm ngân sách nhà nước tháng 1/2023 là khoảng 6.232 tỷ đồng.
Một số chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được ban hành và có hiệu lực trong năm 2023 tác động giảm thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2023 ước tính khoảng 30.051 tỷ đồng.
Trong đó: thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022, tính từ ngày Nghị quyết có hiệu lực (01/01/2023) đến thời điểm báo cáo ước tính giảm thu khoảng 22.709 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022, tính từ ngày Quyết định có hiệu lực (31/01/2023) đến thời điểm báo cáo: ước tính giảm thu khoảng 3.464,1 tỷ đồng.
Thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/06/2023 của Chính phủ, tính từ ngày có hiệu lực (01/7/2023) đến thời điểm báo cáo: ước tính làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 26/8/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, tính từ ngày Nghị định có hiệu lực (01/7/2023) đến thời điểm báo cáo ước tính làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.377,6 tỷ đồng.