Hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long… được đưa ra cảng chuẩn bị xuất sang Trung Quốc nhưng doanh nghiệp bất ngờ nhận được công văn từ Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tạm dừng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp tá hỏa không biết chuyện gì đang xảy ra.
Chia sẻ với Tiền Phong, tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu chuối ở Gia Lai cho biết, hôm qua (9/9), doanh nghiệp vận chuyển 2 container chuối, tương ứng khoảng 40 tấn chuối ra cảng Cát Lái, TPHCM thì nhận được thông báo tạm dừng xuất khẩu. Nguyên nhân được Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, TPHCM đưa ra do mã cơ sở đóng gói bị tạm dừng vì vi phạm quy định bảo vệ thực vật.
Doanh nghiệp hết sức ngỡ ngàng vì không biết chuyện gì xảy ra. Chúng tôi liên hệ với khách hàng phía Trung Quốc hỏi xem đã bao giờ sản phẩm phát hiện có nhiễm côn trùng hoặc sâu bệnh, họ trả lời chưa từng vì nếu có phía Hải quan Trung Quốc đã trả lại hàng về hoặc thực hiện tiêu hủy.
Doanh nghiệp liên hệ với lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 cũng được xác nhận các lô hàng của doanh nghiệp trước nay đều đảm bảo chất lượng. Chi cục chưa nhận phản ánh lô hàng có vấn đề gì về kiểm dịch thực vật. “Việc tạm dừng chỉ thực hiện theo yêu cầu của Cục Bảo vệ Thực vật”, vị này cho hay.
Không chỉ doanh nghiệp ở Gia Lai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuối, mít, sầu riêng, thanh long, xoài… ở các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang… cũng chưa hết choáng váng vì cũng nhận được thông báo tương tự vào ngày 9/9.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Tiền Giang chia sẻ, trong buổi sáng 9/9, sau khi đã đưa hàng ra cảng chuẩn bị xuất sang Trung Quốc, doanh nghiệp mới nhận được thông tin mã số đóng gói bị tạm dừng xuất khẩu.
“Chúng tôi rất bất ngờ và hỏi lại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang. Sở cũng ngỡ ngàng và đến tận trưa mới xác nhận đúng có thông tin này theo chỉ đạo của Cục Bảo vệ Thực vật và mới chuyển công văn cho doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp nói.
Vị này cũng cho biết, ngay cả các Sở NN&PTNT còn bất ngờ, chưa kể phía Trung Quốc cũng chưa có thông báo gì, việc Cục Bảo vệ Thực vật đột ngột dừng kiểm dịch xuất khẩu nông sản khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.
“Chỉ riêng ngày hôm qua đã có hàng chục doanh nghiệp phản ánh có tình trạng tương tự với gần cả nghìn tấn chuối, mít, thanh long, sầu riêng bị tạm dừng. Lúc đó, chúng tôi bấn loạn vì hàng xếp sẵn lên container rồi. Giờ không xuất được, nông sản bị hỏng thiệt hại sẽ rất lớn” – lãnh đạo doanh nghiệp ở Tiền Giang thông tin.
Chưa nhận được cảnh báo, đã dừng xuất khẩu
Theo thông tin Tiền Phong nắm được, nguyên nhân các lô hàng ngày 9/9 đột ngột bị tạm dừng xuất khẩu xuất phát từ công văn của Cục Bảo vệ Thực vật gửi 11 Sở NN&PTNT gồm: Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh và các chi cục Kiểm dịch thực vật, do bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó cục trưởng Bảo vệ Thực vật – ký ngày 5/9.
Theo đó, nội dung công văn thông báo về việc Cục Bảo vệ Thực vật nhận được cảnh báo từ Trung Quốc phát hiện một số lô chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Do đó, đơn vị này đề nghị các đơn vị chức năng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật để xuất khẩu với các lô hàng thuộc mã số vùng trồng, mã số cơ sở có trong danh sách.
Trong danh sách này có 74 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng xuất khẩu; có 47 mã số bị đề nghị thu hồi. Đây hầu hết đều là những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, như: Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Công ty TNHH Huy Long An, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Sofia Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Vking…
Điều đáng nói, công văn không nói rõ thời gian bắt đầu bị cấm hoặc thu hồi và kéo dài trong bao lâu đã khiến cho hàng chục container nông sản của các doanh nghiệp vận chuyển tới cảng đều bị đình trệ.
“Chúng tôi cũng đặt câu hỏi tại sao nếu có vi phạm, Cục không đưa ra cảnh báo trước để doanh nghiệp rà soát lại, hoặc thông báo trước một khoảng thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị. Hàng đưa ra đến cảng, doanh nghiệp mới biết. Một container chuối của doanh nghiệp trị giá gần 3 tỷ đồng. Chưa kể, sắp tới hàng loạt trái cây bước vào chính vụ sẽ ra sao. Đây khác gì chặn đường sống của doanh nghiệp”, một doanh nghiệp chuối ở Đồng Nai bức xúc nói.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 10/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT – cho biết, việc thông báo các mã số vùng trồng, cơ sở đóng góp vi phạm được Cục thực hiện thường xuyên, định kỳ khoảng 3 tháng/lần.
Theo quy định, các tổ chức bảo vệ thực vật của các nước sẽ thông báo về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật cho nhau. Sở dĩ Cục đề nghị tạm dừng xuất khẩu là để rà soát lại nguyên nhân vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục.
Trả lời về việc công văn của Cục đến quá gấp khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, bà Hương nói: “Việc cơ quan thông báo cho doanh nghiệp sẽ tùy từng nước. Với những doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi, đây không phải là lần đầu tiên Cục thông báo. Với những doanh nghiệp lần đầu, Cục đã gửi công văn tới các Sở NN&PTNT và các chi cục, những đơn vị này đã có kinh nghiệm để xử lý”.
Khi được hỏi lý do Cục không gửi cảnh báo trước để doanh nghiệp có thời gian rà soát, chuẩn bị trong trường hợp vi phạm mà thẳng tay đề nghị dừng xuất khẩu, bà Hương nói: “Việc này tránh tình trạng ảnh hưởng đến uy tín nông sản Việt Nam. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Cục đã vào cuộc để gỡ vướng cho các doanh nghiệp. Sau đó, tất cả lô hàng đều được xuất khẩu bình thường”.
Theo thông tin mới nhất, nắm được thông tin phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về việc bất ngờ bị “tuýt còi” xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chỉ đạo và yêu cầu Cục Bảo vệ Thực vật xử lý ngay lập tức để các lô hàng được làm thủ tục xuất khẩu bình thường.