Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Trinh là một trong những nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Ông có nhiều gắn bó với Quảng Ninh từ khi mới ra trường, bởi từng có những năm tháng đóng quân ở Quảng Ninh khi trong quân ngũ. Một số bộ phim của ông từng tham gia ở Quảng Ninh là “Trừng phạt”, “Hoa ban đỏ”, “Lặng lẽ tuổi trăng tròn”, “Nguyễn Thị Minh Khai”, “Con đường sáng”. Mới đây nhất, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Trinh đã được mời đóng vai nhân vật ông Tiến, cựu chiến binh, chủ một trang trại cây ăn quả trong bộ phim truyện truyền hình “Bình minh đang lên” do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh thực hiện – một sản phẩm điện ảnh chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, 30/10 (1963 -2023). Nhân dịp này, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Trinh đã dành cho phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh một cuộc phỏng vấn.
Nhớ về những ngày tháng đóng quân cùng đơn vị và hoạt động nghệ thuật ở Quảng Ninh, Nghệ sĩ Nhân dân bồi hồi kể:
+ Năm 1982, vừa tốt nghiệp lớp diễn viên sân khấu khóa 1 Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi cùng Đỗ Kỷ, Trung Anh, Quốc Khánh lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi được phân về Đại đội Vệ binh Sư đoàn 323, Đặc khu Quảng Ninh.
Thời điểm trong quân ngũ, tôi vẫn được hoạt động nghệ thuật khi tham gia đội văn nghệ của sư đoàn, vừa đóng kịch vừa múa hát. Năm đó, diễn ra hội diễn toàn quân, đơn vị cử chúng tôi tham dự, đi thi ở TP Hồ Chí Minh. Đội văn nghệ của sư đoàn đã đoạt giải cao nhất. Bằng khen cá nhân thời đó, đến giờ tôi vẫn còn giữ.
– Hẳn là năm tháng đó đã để lại cho ông những vốn sống quý giá cho hoạt động nghệ thuật?
+ Tôi được rèn luyện, học được nhiều điều trong thời gian tham gia quân ngũ, được tôi luyện ý chí, chịu được gian khó. Cũng nhờ đó tôi cảm thấy mình lớn hẳn, chững chạc hơn nhiều. Tôi cũng hiểu được đời sống người lính, tinh thần đoàn kết, thương yêu của những người chiến sĩ. Tình cảm người lính nó khác lắm, chúng tôi cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, sống chết bên nhau. Những năm tháng sau này, mỗi khi gặp nhau, chúng tôi vẫn trân quý tình cảm đó.
Thời đó, chúng tôi còn ăn uống kham khổ, mặt mũi xanh xao nhưng vui và nhiều kỷ niệm. Đó cũng là trải nghiệm quý giá, là vốn sống để tôi hóa thân vào các nhân vật sau này.
Cũng chính nhờ trải nghiệm trong quân ngũ, mà cả 4 nghệ sĩ chúng tôi được góp mặt trong bộ phim “Trừng phạt” của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp, một bộ phim về đề tài chiến tranh được thực hiện dựa trên tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Bộ phim có sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi gạo cội của Nhà hát Kịch Việt Nam lúc bấy giờ như: Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Hà Văn Trọng…
– Được biết, không chỉ trong thời gian quân ngũ, ông còn có nhiều gắn bó với Quảng Ninh qua những bộ phim?
+ Tôi rất có cơ duyên và nhiều kỷ niệm với vùng đất Quảng Ninh. Ngày còn trẻ với vai trò là diễn viên sân khấu, tôi từng ra đây biểu diễn ở rạp hát Việt Nhật, tức Cung Văn hoá Lao động Việt Nhật. Tôi là một trong những diễn viên đầu tiên khai trương rạp. Sau này, tôi còn ra Quảng Ninh đóng phim “Người đàn bà che mặt”, rồi vào vai Đào Khanh trong phim “Con đường sáng” về nhân vật lịch sử Đào Phúc Lộc. Không hiểu sao với vùng đất này, tôi lại có nhiều cơ duyên đến vậy.
Hiện nay, anh em đồng đội của tôi vẫn còn ở lại Quảng Ninh rất nhiều. Chúng tôi vẫn gặp lại nhau. Mới đây thôi vào năm ngoái, chúng tôi gặp nhau kỷ niệm ngày thành lập sư đoàn. Chúng tôi về nhà họ như về nhà mình để ngủ qua đêm. Nói chung là gắn bó thân thiết lắm.
Tôi rất là tự hào, xao xuyến và xúc động vì sau một thời gian trở lại, thấy Quảng Ninh đã khác hẳn. Quảng Ninh bây giờ rất đẹp và ngày càng phát triển. Tôi cũng thêm tự hào về Quảng Ninh, về nơi mình đã gắn bó với rất nhiều kỷ niệm. Tôi vui và hạnh phúc.
– Ông cảm nhận thế nào về nhân vật, vai diễn trong bộ phim “Bình minh đang lên” mà Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện?
+ Lần này, trở lại Quảng Ninh tham gia bộ phim “Bình Minh đang lên” kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tôi đóng vai người cha trong gia đình rất vui và ấm cúng, có hai cậu con trai. Ông này phụ trách một trang trại. Câu chuyện của nhân vật rất gần gũi, có nhiều chi tiết hóm hỉnh, hài hước.
Điều quan trọng, thông qua câu chuyện mình ca ngợi quê hương, đất nước, Vùng mỏ Quảng Ninh giàu đẹp, đặc biệt con người rất thân thiện. Đây là vai diễn rất gần với tính cách của tôi. Chính vì sự gần gũi với mình cho nên tôi cảm thấy sự trở lại Quảng Ninh của mình lần này cũng chính là một cơ duyên.
– Ông kỳ vọng điều gì ở bộ phim khi ra mắt khán giả?
+ Hi vọng, khi dự án phim kết thúc và được phát sóng trên truyền hình của tỉnh Quảng Ninh và các kênh truyền hình khác thì những người đang sinh sống ở Quảng Ninh và cả những người con quê hương Quảng Ninh sau những năm tháng lao động vất vả ở muôn nơi có thêm món ăn tinh thần. Tôi nghĩ đây sẽ là món ăn tinh thần có hương vị biển cả và vùng than. Và tôi hy vọng công chúng, người yêu điện ảnh sẽ đón nhận một cách nồng nhiệt và yêu mến tác phẩm này.
– Xin cảm ơn Nghệ sĩ Nhân dânTrọng Trinh đã trả lời phỏng vấn!
NSND Trọng Trinh tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Trinh, sinh năm 1957 tại Nghệ An, từ nhỏ đã được tiếp xúc với nghệ thuật sân khấu. Ông từng gây ấn tượng trong các vở sân khấu như: “Hão”, “Nhân danh công lý”, “Ngụ ngôn năm 2000”, trong các phim “Săn bắt cướp”, “Hai năm nữa anh về”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Gánh hàng hoa”, “Người rừng’, “Tiếng cồng định mệnh’, “Gió qua miền tối sáng”, “Mưa bóng mây”, “Nhật ký Vàng Anh”, “Khúc hát mặt trời”, “Tuổi thanh xuân”, “Tình khúc bạch dương”, “Chạy trốn thanh xuân”, “Lửa ấm” “Sinh tử” v.v.
Bên cạnh diễn xuất, Trọng Trinh còn là một đạo diễn với những phim đoạt Giải Vàng trong Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc, gây ấn tượng với khán giả và thu hút được nhiều sự chú ý từ giới trẻ. Ông từng giữ vai trò Trưởng phòng Nội dung III, Hãng phim Truyền hình Việt Nam. Năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
|