Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Hội nghị đã nghe các báo cáo tóm tắt tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, những kết quả đạt được, vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và một số giải pháp, kiến nghị. Việc thực hiện quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết đã góp phần ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời, góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nhìn nhận thẳng thắn một số hạn chế, bất cập nhất định trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội cho đến nay, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, trong đó có 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các dự án luật và pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được ban hành linh hoạt và sáng tạo, phản ứng nhanh nhẹn trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau dịch; đáp ứng từng bước xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định khả thi với mục tiêu là kiến tạo phát triển nhanh, bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận nhiều nỗ lực, cố gắng tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn luật như nghị định và thông tư theo kế hoạch của Chính phủ giao cho các bộ, ngành. Nhiều địa phương ban hành văn bản riêng để hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền luật, nghị quyết của Quốc hội. Tất cả các địa phương thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cũng đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong tổ chức triển khai.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, quán triệt đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi hành đối với từng dự án luật, nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay và tại Kỳ họp thứ 5.
Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật và nghị quyết được Quốc hội thông qua. Đồng thời, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ công chức, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường cải cách hành chính.
Các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. HĐND và UBND các cấp, đặc biệt là tại các địa phương thực hiện thí điểm theo các nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương.