Như một số dân tộc thiểu số khác, người S’tiêng cũng sử dụng nhạc khí để thể hiện những giai điệu tâm tình, trao gửi tình cảm với người mình yêu hoặc thổ lộ tâm sự. Những nhạc khí được người S’tiêng sử dụng trong giao duyên, tình yêu phần lớn thuộc họ hơi rung vang, chi thổi. Giai điệu nhìn chung đều ngắn, lặp lại, nhẹ nhàng, thủ thỉ, tâm tình… Tất cả góp phần làm đa dạng âm nhạc mang đặc trưng riêng của người S’tiêng Bình Phước.
Nhạc khí của người S’tiêng Bình Phước hiện có 4 họ nhạc cụ: Dây rung vang, hơi rung vang, màng rung vang và tự thân rung vang. Trong đó, 3 họ được sử dụng trong giao duyên, tình yêu là: Dây rung vang, hơi rung vang, màng rung vang. Một số nhạc khí này có nguồn gốc là nhạc khí thiêng nhưng đã thay đổi về hình dáng, chuyển thành nhạc khí tâm tình, tự sự. Những nhạc khí này phần lớn thuộc họ hơi rung vang, chi thổi. Giai điệu mềm mại, liền bậc không có quãng nhảy, không có đảo phách, giống như những bài dân ca, đặc biệt là giống những điệu hát ru, trữ tình.
Sáo T’rê Ru của người S’tiêng Bù Đêh là loại nhạc khí có cấu tạo gần giống với sáo T’rơ Niết của người S’tiêng Bù Lơ nhưng cấu trúc có khác ở phần quả bầu – hộp cộng hưởng được thay bằng phần trên, phần bầu nhỏ của quả bầu. Miệng thổi đôi khi là một ống trúc nhỏ hoặc ống nhựa cắm vào chỗ cuống quả bầu và trét kín bằng sáp ong đất. Điểm quan trọng là nhạc khí này cũng là loại nhạc khí thiêng để giao tiếp thần linh, chỉ thổi khi đã được làm lễ cúng yang… Nhưng thời gian sau này, nhiều vùng S’tiêng không thấy sử dụng với chức năng này mà chỉ vài người già thổi khi rảnh rỗi, âm thanh thủ thỉ, tâm tình, tự sự…
Kèn bầu K’buốt là nhạc khí thổi hơi có cấu tạo và kỹ thuật chế tác khá phức tạp của người S’tiêng Bù Lơ (người S’tiêng vùng cao) khu vực Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp… Nhạc khí cùng loại này khá phổ biến ở các dân tộc vùng Tây Nguyên, người Êđê gọi là Đinh năm, trong khi người M’nông gọi là M’buốt. Tuy nhiên, ở một số tài liệu về nhạc khí này của người S’tiêng, được ghi là “M’buot”, có thể do sử dụng cách ghi và phát âm của người M’nông. Kèn bầu K’buốt có cấu tạo và nguyên tắc phát âm gần giống “kềnh” (khèn) của người H’mông nên cũng có người gọi là khèn bầu.
Trong phân loại nhạc khí, K’buốt của người S’tiêng thuộc nhóm nhạc khí hơi rung vang, chi thổi, nhánh có dăm (lưỡi gà) và có nhiều ống phát âm cùng lúc.
K’buốt được sử dụng trong những dịp lễ hội, nhảy múa, đâm trâu, vào mùa xuân… Theo già Điểu Chơn ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, nhạc khí này thổi sau lễ cúng kết thúc, tiếng chiêng báo hiệu nhạc đón khách. K’buốt cũng thổi nhạc đón khách và mời mọi người ăn thịt, uống rượu, nhảy múa cùng với tiếng chiêng, tiếng sáo Pi. Khi mọi người đã vui, say và tiếng chiêng có thể ngớt thì tiếng K’buốt vẫn nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình… K’buốt còn có thể đi cùng những chàng trai lên rẫy, là tiếng lòng của những người yêu nhau, hò hẹn, cùng vui chơi, nhảy múa trong đám cưới… Người S’tiêng rất yêu quý và tự hào với K’buốt, nhưng cách chế tác và thổi phức tạp nên hiện ít người còn biết sử dụng.
Ngoài ra, đồng bào S’tiêng còn có đàn đinh đuk, còn gọi là đàn tre, sử dụng trong giao duyên, tình yêu lứa đôi, được xem là nhạc cụ dây gẩy duy nhất của người S’tiêng. Đàn đinh đuk có âm lượng nhỏ, thường được sử dụng để đệm cho các bài hát mang tính tự sự, những lời hát giao duyên và đặc biệt là diễn tấu lại bài bản âm nhạc của dàn cồng chiêng. Thanh niên S’tiêng Bù Lơ trước đây rất yêu thích nhạc khí này, xem như cách để người con trai thể hiện tiếng lòng của mình với người yêu… Ở Bình Phước, còn nhiều người S’tiêng Bù Lơ biết làm đàn, chơi đàn nhưng trong đời sống hiện nay, dịp sử dụng đàn đinh đuk hầu như chỉ còn trong lễ hội, ngày hội các dân tộc thiểu số ở xã, huyện hoặc trong các lễ lớn của địa phương và mang tính giới thiệu, trình diễn.
Trong số các nhạc cụ dân tộc S’tiêng, có những nhạc cụ do chính tộc người S’tiêng sáng tạo, nhưng cũng có những nhạc cụ được học tập, tiếp nhận từ các tộc người khác. Qua thời gian, kinh nghiệm, bằng tâm thế và cách ứng xử với tự nhiên và ứng xử với nhau của các thành viên trong cộng đồng dân tộc, người S’tiêng đã sáng tạo những nhạc khí của riêng mình. Những nhạc khí dân tộc S’tiêng được hình thành, tồn tại hoặc được tiếp nhận, biến đổi, đều thể hiện bản sắc của dân tộc, từ âm thanh, hình dáng, cách sử dụng và phương pháp diễn tấu.