Gần 100 tấn sách với 400 đầu sách, 400 nghìn bản in lậu cùng các thiết bị in bị thu giữ, 90 nghìn cuốn sách giáo khoa giả, 7 tấn ấn phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ… là những con số đáng báo động về nạn buôn bán sách lậu, sách giả.
Những con số này được nhắc tại hội thảo Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc được tổ chức chiều 29/8 tại Hà Nội.
Hội thảo do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
Vi phạm tràn lan trên môi trường mạng
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức in truyền thống, điện tử, trên không gian mạng… Điều này tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm, đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc của cộng đồng.
“Việc bạn đọc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả tiếp tay cho các đối tượng chuyên làm lậu, làm giả xuất bản phẩm có thị trường tiêu thụ. Điều này tác động trực tiếp đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động xấu đến công tác quản lý, công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo thói quen tiêu dùng xấu đến thị trường xuất bản, định hướng phát triển văn hoá đọc”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu.
Đại diện Cty CP Sách điện tử Waka nói rằng, việc chống lậu đôi khi được “đá bóng” sang cho người tiêu dùng cuối. “Vốn là khách hàng là độc giả trung thành của các đơn vị xuất bản. Câu khẩu hiệu “Hãy là những người tiêu dùng thông thái” được ứng dụng ở tất cả các sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay sách giả, sách lậu có chất lượng không kém sách thật nhưng lại có giá thành thấp hơn rất nhiều. Điều này khiến người tiêu dùng nhận định mình “thông thái” khi bỏ số tiền ít nhưng lại mua được hàng chất lượng”, đại diện Cty CP Sách điện tử Waka nói.
Đại diện Công ty CP Sách điện tử Waka khẳng định, vấn nạn làm giả, in lậu xuất bản phẩm ngày càng tinh vi. Gần 100 tấn sách với 400 đầu sách, 400 nghìn bản in lậu cùng các thiết bị in đã bị thu giữ (Thạch Thất, Hà Nội năm 2002), 90 nghìn cuốn sách giáo khoa giả (Thái Bình năm 2022), 7 tấn ấn phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Chỉ có 2-3% lượng khách hàng quan tâm đến sản phẩm mình mua là sách thật hay sách giả. Các giải pháp chống giả như tem thông minh cho sách in, hay các chỉ dấu điện tử (thủy vân số…) cũng có những đơn vị đăng ký sở hữu trí tuệ về công nghệ xác minh, tuy nhiên những người dùng cuối vẫn còn biết đến những giải pháp này rất ít”, vị này nêu.
Khối lượng sách in truyền thống vi phạm bản quyền đã không đếm xuể, nhưng sách điện tử và sách nói còn dễ làm lậu hơn. Đại diện Cty CP Sách điện tử Waka cho biết, có rất nhiều website chuyên tìm cách tải, số hóa, thậm chí “đóng vai” người dùng sách điện tử của các đơn vị phân phối chính quy, từ đó trộm đi những bản điện tử và ngang nhiên đóng gói thành sản phẩm đem bán trên website riêng của họ.
Ông Nguyễn Luận, Giám đốc Bản quyền Công ty Công nghệ WeWe – chủ sở hữu ứng dụng sách nói Voiz FM – khẳng định, với sự phát triển của công nghệ 4.0, việc vi phạm bản quyền còn diễn ra nhanh và rộng hơn. “Các hành vi xâm phạm bản quyền với các sản phẩm sách nói phổ biến nhất vẫn là các kênh YouTube chuyên đăng tải sách nói vi phạm bản quyền. Việt Nam là một số ít các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet tìm kiếm sách nói cao hơn sách điện tử (ebook). Dường như có thể tìm thấy phiên bản sách nói lậu của bất kỳ tựa sách bán chạy nào trên YouTube”, ông Luận nêu.
Xây dựng hệ thống cơ chế xử phạt
Giải pháp được nhiều đại biểu đưa ra là nâng cao ý thức của người tiêu dùng để sớm ngăn chặn, tiếp tay cho những hành vi xâm phạm bản quyền ngăn các xuất bản giả, xuất bản phẩm giả tràn lan trên thị trường.
“Khi độc giả ý thức được việc mua xuất bản phẩm thật chính là bảo vệ lợi ích của bản thân khi đó nạn xuất bản phẩm giả, xuất bản phẩm lậu mới được đẩy lùi. Mỗi độc giả chân chính cần tẩy chay sách giả, sách lậu bằng việc không mua bán, trao đổi, tuyên truyền sách giả, sách lậu và tìm mua sách ở những địa chỉ tin cậy, có uy tín”, Ths. Phạm Văn Phê, khoa Xuất bản – Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nêu.
Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng xâm phạm bản quyền nghiêm trọng, phát hành sách lậu, sách giả tràn lan không thể chỉ trông mong vào độc giả mà cần sự chung tay của chính các nhà xuất bản và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh, bên cạnh các giải pháp về nâng cao nhận thức độc giả về tác hại của khách giả, phân biệt sách giả, sách thật, việc xây dựng cơ chế xử phạt các hành vi vi phạm là biện pháp căn cơ nhất.
Ông Nguyên cho rằng, ý thức về pháp luật để bảo vệ bản quyền của các nhà xuất bản, tác giả, độc giả và cả xã hội còn thấp. Ông mong muốn, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội xuất bản, in, phát hành, đại diện các nhà xuất bản quan tâm hơn vấn đề pháp luật, từ đó đưa ra các điều luật, các nghị quyết, thông tư nhằm có chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm đặc biệt cần thiết phải xử các vụ án điểm có tính răn đe cao.