Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị của Quảng Ninh đã và đang tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp, nhằm sớm đưa Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vào cuộc sống. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực biên giới, biển đảo, tạo động lực, sự bứt phá trong phát triển KT-XH của địa phương.
Đồn BPCK Hoành Mô có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 43km đường biên với 41 mốc giới, 68 cột mốc thuộc 6 xã biên giới của huyện Bình Liêu. Cư dân sinh sống dọc biên giới chủ yếu là đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức về pháp luật hạn chế… Lợi dụng đặc điểm này, các đối tượng buôn lậu đã lôi kéo, thuê người dân vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới để chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Bám sát tình hình của địa phương và các chủ trương, định hướng của tỉnh về mục đích, yêu cầu cần đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 06, Đồn BPCK Hoành Mô đã sớm xây dựng kế hoạch để tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền 6 xã, thị trấn khu vực biên giới huyện Bình Liêu triển khai các hoạt động đẩy mạnh phát triển KT-XH, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh gắn với đảm bảo QP-AN, bảo vệ biên giới quốc gia.
Hơn 2 năm qua, Đồn BPCK Hoành Mô đã tham gia tuyên truyền, vận động, triển khai có hiệu quả nhiều chương trình an sinh xã hội, thông qua các hoạt động thiết thực như “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Vườn cây kiểu mẫu”… Thực hiện nội dung nhận giúp đỡ xây dựng thôn, bản, khu dân cư biên giới vững mạnh, Đồn BPCK Hoành Mô đã giúp đỡ người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu xây dựng được 18 “Mái ấm biên cương”, tham gia tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân thôn Nà Choòng (xã Hoành Mô) xây dựng 37 nhà tiêu hợp vệ sinh; tặng 50 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nghèo trên địa bàn huyện…
Qua đó, không chỉ giúp người dân khu vực biên giới vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, mà còn góp phần huy động tốt sức dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng tuyến biên giới của tỉnh hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển.
Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS. Việc nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách các vùng, góp phần xây dựng NTM luôn là nhiệm vụ được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nổi bật, triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông. Qua đó, tạo điều kiện để đời sống, việc làm, thu nhập của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt 54,4 triệu đồng/người.
Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Quảng Ninh giảm nhanh chóng và bền vững. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,63% tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%). Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm so với kế hoạch đề ra.
Có thể khẳng định, Nghị quyết 06 là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh trong tương lai. Kết quả trên chính là động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, nhằm hoàn thành toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.