Tham gia ý kiến thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm ủng hộ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Chiều 29/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tại khoản 3 Điều 78 dự thảo Luật quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.
Báo cáo tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề này có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA.
Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.
Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội này.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình. Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định 655 của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.
Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) bày tỏ tán thành với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn.
Đại biểu cho rằng, quy định này phù hợp với chủ trương, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho đối tượng công nhân.
Theo đại biểu, hệ thống công đoàn các cấp là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nên hơn ai hết họ nắm rõ nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, nhất là những người lao động có thu nhập thấp hay hoàn cảnh khó khăn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội với tư cách là cơ quan chủ quản mà không phải trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án, đồng thời chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn, nhà ở cho thuê vận hành như đối với các nhà ở do nhà nước đầu tư.
Có chung mối quan tâm, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nêu rõ, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân hoàn toàn có cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống cho người lao động.
Theo đại biểu, quy định nêu trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.
Đại biểu Tuấn nhấn mạnh, một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở, tuy nhiên, chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu này.
“Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe… Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc”, đại biểu nói.
Đại biểu đoàn Bắc Giang cho rằng, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc để Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực chung tay giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động, qua đó giúp Tổng Liên đoàn hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, sứ mệnh của mình.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị giữ quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của Công đoàn.
“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân. Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể”, đại biểu Nghĩa đề xuất.
Tại phiên thảo luận, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật Nhà ở.