Cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt phần diện tích rừng ngập mặn (RNM) tự nhiên trên địa bàn, huyện Hải Hà đang tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án trồng mới, trồng phục hồi, làm giàu những cánh RNM ven biển. RNM đang là “lá phổi xanh” góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy vai trò, chức năng phòng hộ và tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm hộ dân ở Hải Hà.
Những “ong thợ” phục hồi rừng ngập mặn
Một buổi chiều ngày đầu tháng 7 (âm lịch) nước cạn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9 (xã Quảng Phong, huyện Hải Hà) Hà Văn Hoa dẫn phóng viên len lỏi khắp cánh RNM rộng ngút ngàn trải dài theo bãi triều dọc đê Đá Phẳng. Vừa đi, anh Hoa vừa chỉ và kể cho chúng tôi nghe về những “thăng trầm” của cánh rừng này.
Anh Hoa nhớ lại từ khi còn rất nhỏ theo bố mẹ đi biển, những cánh RNM xanh tốt là nơi tạo “kế sinh nhai” cho gia đình anh và người dân nơi đây. Hằng ngày, có hàng trăm người dưới tán rừng đào sá sùng, bắt cua, ốc…Thế nhưng, thời điểm đó do chưa nhận thức được lợi ích của RNM, vẫn còn tình trạng chặt phá, đào bắt thủy sản bừa bãi dưới RNM… khiến cho những tán rừng ngày một thưa đi, diện tích rừng theo đó mà cứ thu hẹp dần.
Nhưng đó đã là câu chuyện của hàng chục năm trước. Sau mỗi cơn bão, mỗi đợt triều cường sóng to, gió lớn, bờ đê sạt lở, đồng ruộng, ao đầm phía trong đê bị xâm mặn, nguồn lợi thủy sản khu vực bãi triều ngày một ít đi… người dân trong thôn và các khu vực lân cận đã nhận ra những lợi ích to lớn của RNM trong việc “bảo vệ” và “nuôi dưỡng” con người, nên đã cùng bảo nhau giữ rừng.
Đặc biệt, từ khi các chương trình, dự án trồng mới, phục hồi và làm giàu RNM do tỉnh và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, người dân trong thôn không chỉ đăng ký trồng rừng để lấy tiền công, mà còn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở nhau bảo vệ thật tốt từng gốc cây rừng tự nhiên, đồng thời chăm sóc kỹ lưỡng mỗi cây mới trồng.
Theo năm tháng, những cánh RNM nơi đây dần xanh tốt, hàng chục ha rừng đã được trồng bổ sung ở những vị trí còn trống trong vạt RNM tự nhiên rộng lớn.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9 Hà Văn Hoa cho biết: Từ năm 2016 đến nay, tôi đã tham gia trồng bổ sung hàng chục ha RNM. Đặc biệt, từ năm 2021, khi dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được triển khai tại địa phương, tôi được UBND xã giao làm tổ trưởng của nhóm cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ RNM tại thôn 9 (một trong 2 tổ của xã Quảng Phong) với 30 thành viên.
Chỉ tính trong 2 năm (2021-2022), nhóm chúng tôi đã trồng được hơn 16ha RNM thuộc dự án này và 10ha RNM thuộc dự án do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Tổ chức Phục hồi RNM Nhật Bản (ACTMANG) hỗ trợ. Năm 2023, nhóm chúng tôi cũng đang thực hiện trồng rừng thuộc 2 dự án này, phấn đấu hết năm sẽ trồng bổ sung khoảng 20ha RNM. Hiện nay, RNM tại thôn 9 có diện tích khoảng 370ha.
Ông Nguyễn Văn Đông, Quyền Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, cho biết: Trong những năm qua, hàng chục ha rừng được trồng bổ sung trong những cánh RNM tự nhiên của xã. Hiện nay, toàn xã có hơn 890ha RNM. Những cánh RNM không chỉ bảo vệ an toàn cho các tuyến đê Đá Phẳng, Rừng Xanh, Hà Voòng, đê To tại các thôn 7, 8, 9, với hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phía trong đê, mà còn góp phần tạo thu nhập cho người dân từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản trong RNM.
Sau hơn 20 năm bám trụ với nghề nuôi ngao, nghêu tại khu vực bãi triều, ông Phạm Văn Khuy (thôn 3, xã Quảng Minh) hiểu hơn ai hết những lợi ích to lớn của RNM trong việc bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch bệnh đối với các vùng nuôi.
Dẫn chúng tôi đi xem cánh RNM hàng trăm ha trải dọc đê Quảng Minh, ông Khuy không ngừng giới thiệu về thời gian trồng, quá trình sinh trưởng, phát triển của từng đám rừng được chính ông cùng người dân trong xã trồng bổ sung từ hàng chục năm nay.
Tự hào với hàng chục ha rừng được trồng đến nay đã cao quá tầm với, bộ rễ sum suê có đóng góp công sức của mình, ông Khuy cho biết: Từ năm 2021, với vai trò là Trưởng nhóm cộng đồng tham gia trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ RNM của xã, tôi đã cùng bà con trồng được 28/32ha bổ sung vào những cánh RNM tự nhiên. Sau nhiều lần nghiệm thu của ngành chức năng và địa phương, đến nay tỷ lệ sống vẫn đạt trên 95%. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục trồng, phủ xanh RNM theo kế hoạch năm 2023 do xã giao. Quyết tâm phủ kín, làm giàu toàn bộ những khoảnh rừng thưa, rừng nghèo.
Bảo vệ rừng ngập mặn cho sự phát triển bền vững
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, từ năm 2015 triển khai chương trình Phòng ngừa thảm họa thiên tai do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, Hội Chữ thập đỏ huyện Hải Hà phối hợp với Tổ chức Hành động phục hồi RNM của Nhật Bản thực hiện Dự án phục hồi RNM trên địa bàn các xã Quảng Minh, Quảng Phong, với diện tích 345ha. Theo đó, cùng với việc bảo vệ 280ha RNM hiện có, sẽ trồng mới 65ha các loại cây trang, đước vòi, tổng kinh phí thực hiện gần 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, một số tổ chức cùng các dự án cũng đã đầu tư để bảo vệ và phát triển RNM trên địa bàn huyện. Diện tích RNM được trồng mới và trồng bổ sung trong rừng tự nhiên là 441,93ha. Trong đó, Dự án xây dựng rừng phòng hộ ven biển Quảng Ninh giai đoạn 2008-2012 đã trồng 245,8ha RNM tại xã Quảng Phong, hiện còn 190,58ha đang phát triển tốt với chiều cao 0,8-1m, mật độ đạt 8.000-9.000 cây/ha.
Thực hiện đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” (Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ), từ năm 2021 đến nay, hàng chục ha rừng ngập mặn đã được trồng mới, trồng bổ sung tại khu vực ven biển các xã Quảng Minh, Quảng Phong, Đường Hoa, Quảng Thành do BQL Dự án trồng rừng Việt – Đức triển khai theo Dự án FMCR tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Hải Hà, hiện nay trên địa bàn huyện có 1.450,1ha RNM, chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Phong, Đường Hoa, Quảng Minh, Quảng Thành… Trong đó có hơn 1.300ha rừng tự nhiên với các loài cây mắm, sú, trang, đước vòi, vẹt… có mật độ 5.000-9.000 cây/ha, đường kính tán 1-2m, chiều cao đạt 1-2m; hàng trăm ha RNM đã được trồng bổ sung, làm giàu thêm những cánh RNM tự nhiên trên địa bàn huyện.
Ông Phạm Ngọc Hiếu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, cho biết: Theo kế hoạch, để bảo vệ, phát triển RNM, từ năm 2021 đến năm 2030, huyện Hải Hà sẽ trồng mới 939ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát; trong đó giai đoạn 2021-2025 trồng mới 864ha, giai đoạn 2026-2030 trồng mới 75ha. Đồng thời, thực hiện trồng bổ sung, phục hồi rừng và làm giàu rừng 1.828ha. Bảo vệ, phát triển RNM đã góp phần ổn định cấu trúc rừng, ổn định hệ sinh thái RNM; tăng khả năng chống chịu của rừng đối với hiệu ứng mực nước dâng và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 98/DAVĐ-KHKT ngày 24/4/2023 của BQL Dự án trồng rừng Việt – Đức về việc thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ RNM năm 2023, thuộc Dự án FMCR tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã trồng mới 59,91/76,78ha RNM, trong đó trồng phục hồi, làm giàu rừng 58,56ha.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, huyện Hải Hà tập trung cho công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến bảo vệ, phục hồi RNM.
Huyện đã rà soát chặt chẽ các dự án sử dụng đất có RNM; thực hiện chủ trương không giao đất bãi triều, đất mặt nước có cây ngập mặn để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng tới RNM; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ven biển thường xuyên kiểm tra hoạt động đào, đắp đầm của các hộ gia đình được giao đất nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không xâm hại tới diện tích RNM xung quanh.