Trong bối cảnh thị trường lương thực trên thế giới có nhiều biến động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh, trong mọi tình huống cần bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Giữ vững thị trường là quan trọng
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cho biết, sau lệnh Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khá cao, tuy nhiên, giá gạo trong nước còn tăng nhanh cao hơn và nhanh hơn. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang trì hoãn đơn hàng hoặc đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá hoặc hủy hợp đồng.
Tuy nhiên, với giải pháp đàm phán tăng giá, đa phần khách hàng không đồng ý, bởi giá gạo Việt hiện tại đang cao hơn cả Thái Lan, Hoa Kỳ và đứng đầu thế giới. Khi giá gạo quá cao trong khi chất lượng chỉ ở mức trung bình khá thì sẽ làm các doanh nghiệp nhập khẩu chọn nhà cung cấp khác.
“Ví dụ điển hình nhất đó là thị trường Iraq thường mua gạo trắng của Việt Nam thời gian trước đó, tuy nhiên, vừa rồi gạo của Việt Nam tăng giá nên họ đã chuyển sang mua gạo bên Hoa Kỳ với số lượng 60.000 tấn. Việt Nam xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc, Indonesia, Malaysia,… Do điều kiện chúng ta tương đồng với Thái Lan, nhưng hiện giá gạo của Thái Lan rẻ hơn của Việt Nam. Do đó, cùng với một số hợp đồng buộc doanh nghiệp phải hủy thì dự báo các đơn hàng của chúng ta sẽ bị mất nhiều”, ông Phan Văn Có cho hay.
Ông Phan Văn Có cũng bày tỏ lo ngại, giá gạo đứng ở mức cao nhất thế giới, rủi ro tiếp theo đó là nếu chúng ta không ký được hợp đồng kỳ hạn cuối năm 2023 thì mùa lúa gạo vụ Thu Đông (rơi vào tháng 9, tháng 10, tháng 11) sẽ tuột dốc.
“Nếu mặt hàng lương thực tăng cao, đa số khách hàng sẽ lựa chọn các mặt hàng lương thực khác. Thay vì họ dùng gạo thì họ sẽ lựa chọn lúa mì, lúa mạch,… Đến nay, chúng ta đã mất một số thị trường khu vực châu Phi, nếu không cẩn trọng thì trong 1 – 2 tháng tới chúng ta sẽ mất luôn thị trường Philippines và Trung Quốc. Khi đó, chúng ta muốn đàm phán lại thì cần phải chờ đến sang năm. Việc này không chỉ tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới mà còn khiến hình ảnh gạo Việt trên thị trường quốc tế không đẹp”, ông Phan Văn Có cho biết.
Trong thị trường nội địa, đại diện doanh nghiệp này cho biết, một số ý kiến cho rằng, do các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy giá để đáp ứng đơn hàng đã ký trước đó nhưng đây chỉ là bề nổi. Nguyên nhân chính là do tại Việt Nam khi thị trường xuất khẩu thuận lợi sẽ có một nhóm lợi ích, một số thương nhân, một số cò mồi họ tập trung rất đông, họ đi tung tin và thu gom.
Họ thu mua thực tế chỉ một phần. Một phần khác, họ lập ra các diễn đàn lúa gạo và nhân danh thương nhân Trung Quốc, Philippines, Singapore và đặt các đơn hàng rất lớn, hàng trăm ngàn tấn với giá rất cao. Ví dụ như gạo Jasmine, thị trường chung quốc tế giá khoảng 700 – 750 USD/tấn, nhưng họ trả giá 800 – 900 USD/tấn. Cũng có những doanh nghiệp ký hợp đồng với giá cao và chuyển tiền thật nhưng đây là các doanh nghiệp “cò mồi”, điều này gây lộn xộn thị trường.
Tại các vùng sâu, vùng xa, hay tại các cánh đồng lớn có một vài thương nhân bên ngoài (không phải là người bao tiêu lúa gạo của nông dân) họ đi mua hàng của nông dân với giá rất cao, một số nông dân hám lợi nhuận cao nên đã bẻ kèo với doanh nghiệp và hợp tác xã.
“Chính việc này khiến các doanh nghiệp và cả người nông dân cứ nghĩ rằng giá lên. Nhưng khi xuất bán hợp đồng, họ sẽ yêu cầu các loại giấy tờ. Nhưng “chốt hạ” khi thanh toán, họ yêu cầu thanh toán LC, thanh toán trả chậm,… Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn và có uy tín trên thị trường thì họ có vùng trồng và bao tiêu sản phẩm, khi bị nông dân, hợp tác xã “xù” hợp đồng thì lượng xuất khẩu của họ không đạt. Khiến doanh nghiệp bị mất uy tín với đối tác. Việc liên kết nông dân từ trồng, sản xuất, xuất khẩu bị phá vỡ. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất khó khăn trong giai đoạn này”, ông Phan Văn Có cho biết.
Theo các doanh nghiệp, hiện nay đa số các thị trường lương thực lớn trên thế giới chào hàng đơn hàng tháng 11, tháng 12/2023 và tháng 1, tháng 2/2024 với mức giá giảm. Giá lương thực thế giới chịu tác động của các thị trường này.
Ví dụ, Thái Lan chào đơn hàng gạo thơm giao hàng tháng 10, tháng 11, tháng 12/2023 chỉ từ 680 – 690 USD/tấn; trong khi đó, Việt Nam đang chào từ 750 – 800 USD/tấn. Gạo Thái 5% tấm chào trên thị trường Philippines và Indonesia giao hàng cuối tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12/2023 và tháng 1/2024 với giá là 585 USD, trong khi Việt Nam đang chào với giá là 649 USD/tấn.
“Theo kinh nghiệm của tôi, khoảng từ giữa tháng 9 trở đi, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm. Bởi muốn xuất khẩu được phải hạ giá để cạnh tranh với các nước lân cận, khi đó khách hàng mới xem xét quay lại và khi đó, doanh nghiệp mất thêm thời gian chờ thị trường từ 3 – 4 tháng. Do đó, các đơn hàng giao hàng cuối năm 2023 cũng như vụ Đông Xuân tới Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước trên thế giới”, ông Phan Văn Có nhận định.
Đại diện doanh nghiệp cho hay, Việt Nam hiện tại không có chủ trương cấm xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, để thị trường tự do khiến các thương nhân không tốt họ làm giá thì cũng không nên. Do đó, xuất khẩu gạo cần có mức giá chung cơ bản và cũng cần xem xét giá gạo quá cao như vậy sẽ không còn là mức giá thực nữa, việc này cũng dẫn đến việc mất thị trường xuất khẩu, mà khi đã mất rồi thì chúng ta sẽ rất khó để lấy lại.
Giữ vững chất lượng và thương hiệu sản phẩm cách nào?
Sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tăng 18,7% về lượng, tăng 29,6% về kim ngạch, giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường gạo trong nước nói chung và thị trường xuất khẩu gạo nước ta phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là những biến động từ bên ngoài. Biến động chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo khiến thị trường thương mại gạo toàn cầu diễn biến quá nhanh, có nhiều nhân tố khó đoán định.
Ở trong nước, sản xuất lúa gạo có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường. Đây cũng là một nhân tố khó đoán định.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh quan điểm, trong mọi tình huống cần bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tới sự hợp tác giữa các bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội, giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, trước hết Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành. Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết. Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp”.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, rà soát tình hình sản xuất, thông tin về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích canh tác; cân đối nhu cầu tiêu dùng thóc, gạo trong nước để xác định rõ nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu, tạo thế chủ động cho các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam.
Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, bên cạnh nhiệm vụ giám sát việc duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin về nước, Bộ Công Thương còn yêu cầu hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.
Với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.